Vay tiền không trả được có bị giữ tài sản đã cầm cố/thế chấp không?

Hiện nay, việc vay tiền diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt khi diễn ra World Cup. Trong đó, giao dịch vay tiền bằng cầm cố/thế chấp tài sản về bản chất là gồm 02 dạng chính giao dịch vay và bảo đảm bằng cầm cố/thế chấp tài sản. Vậy vay tiền không trả được có bị giữ tài sản đã cầm cố/thế chấp?


Tài sản cầm cố/thế chấp là gì?

Theo Điều 292 Bộ luật Dân sự (BLDS) 91/2015/QH13  thì:

Cầm cố/thế chấp là một trong chín biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Tài sản cầm cố/thế chấp có thể được gọi chung là tài sản bảo đảm. Theo đó, tài sản bảo đảm có thể được hiểu là tài sản được bên bảo đảm dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm thông qua các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký cược, ký quỹ, đặt cọc…

Vay tiền không trả được có bị giữ tài sản đã cầm cố/thế chấp?

Theo các quy định pháp luật hiện tại, không có bất kỳ quy định nào cấm việc bên nhận bảo đảm được quyền thu giữ, thu hồi tài sản để xử lý thu hồi nợ. 

Do đó việc các tổ chức cầm đồ chuyên nghiệp thực hiện biện pháp thu giữ, thu hồi tài sản là không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội, không trái với quy định pháp luật và có có căn cứ để thực hiện.

Lưu ý rằng, để có căn cứ thực hiện thì bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm phải có sự thống nhất về việc thu giữ, thu hồi này trong hợp đồng bảo đảm.

Vay tiền không trả được có bị giữ tài sản đã cầm cố/thế chấp không?
Vay tiền không trả được có bị giữ tài sản đã cầm cố/thế chấp không? (Ảnh minh họa)

Cụ thể, liên quan đến quyền thu giữ của bên nhận bảo đảm, trước đây, pháp luật đã có quy định mặc nhiên công nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý tại Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm và hết hiệu lực từ ngày 15/5/2021), cụ thể như sau:

Điều 63. Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý

1. Bên giữ tài sản bảo đảm phải giao tài sản đó cho người xử lý tài sản theo thông báo của người này; nếu hết thời hạn ấn định trong thông báo mà bên giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản thì người xử lý tài sản có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 2 Điều này để xử lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết…

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 21/2021/NĐ-CP được ban hành mới thay thế cho Nghị định 163/2006/NĐ-CP đã không còn mặc nhiên công nhận quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm để tiến hành xử lý như quy định trên.

Thay vào đó, chỉ có quy định chung về xử lý tài sản bảo đảm tại Điều 49 Nghị định 21/2021/NĐ-CP, như sau:

1. Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định này và pháp luật liên quan…

2. Bên nhận bảo đảm thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm….

Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 307 BLDS 2015 quy định về việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:

1. Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật này.

2. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.

3. Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.

Như vậy dù không nêu rõ quyền được thu giữ, thu hồi tài sản của bên nhận bảo đảm nhưng BLDS đã có quy định trong việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản đã bao gồm chi phí thu giữ, thu hồi tài sản bảo đảm.

Theo đó có thể thấy phải xuất phát từ việc được thu giữ, thu hồi tài sản thì bên nhận bảo đảm nói chung và các tổ chức cầm đồ chuyên nghiệp nói riêng mới được phép trừ đi số tiền là chi phí của việc thu giữ, thu hồi trong việc thu hồi giá trị khoản vay đã cấp. 

Từ đó, có thể thấy, quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 vẫn đang “ngầm thừa nhận” quyền này của bên nhận bảo đảm.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 164 BLDS 2015 quy định:

Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.

Trong quan hệ bảo đảm, các tổ chức cầm đồ chuyên nghiệp (bên nhận bảo đảm) là chủ thể có quyền đối với tài sản. Cụ thể là quyền chiếm hữu tài sản, căn cứ các quy định như sau:

- Điều 179 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về khái niệm chiếm hữu:

1. Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

2. Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.

Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 của Bộ luật này.

- Điều 188 quy định quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự:

Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch

Như vậy, khi xảy ra trường hợp vi phạm nhưng bên bảo đảm không tự nguyện bàn giao tài sản theo yêu cầu (phát sinh từ quyền cho bên bảo đảm mượn tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm - quy định tại Khoản 3 Điều 314 BLDS 2015) sẽ đồng nghĩa với việc bên bảo đảm đang xâm phạm quyền chiếm hữu đối với tài sản của bên nhận bảo đảm.

Vì vậy bên nhận bảo đảm có quyền sử dụng những biện pháp không trái với quy định pháp luật để bảo vệ quyền chiếm hữu của mình bao gồm các biện pháp được thỏa thuận với bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm mà không cần sự đồng ý của bên bảo đảm khi tiến hành xử lý, trong đó có biện pháp thu giữ, thu hồi tài sản.

Như vậy từ các phân tích, trích dẫn trên có thể nhận thấy, bên nhận bảo đảm có quyền thu giữ tài sản bảo đảm để tiến hành xử lý trong trường hợp bên đi vay không trả nợ nếu các bên có thỏa thuận trước.

Trên đây là giải đáp chi tiết vấn đề: Vay tiền không trả được có bị giữ tài sản đã cầm cố/thế chấp?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục