Vợ, chồng có được ủy quyền ly hôn không?

Mặc dù đã quyết định ly hôn nhưng không phải trường hợp nào, vợ hoặc chồng hoặc cả hai đều có thể tự mình thực hiện. Vậy khi muốn ly hôn, vợ chồng có thể ủy quyền cho người khác làm hộ không?

Dưới đây là một số tình huống điển hình về ủy quyền thực hiện ly hôn được gửi tới LuatVietnam thông qua tổng đài trực tuyến 1900.6192.


Ai có quyền yêu cầu ly hôn?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi, hiện nay theo quy định của pháp luật, ai được quyền yêu cầu ly hôn? - Nguyễn Lan Anh - Hà Nội

Về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ 2014) nêu rõ:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Theo quy định này, người có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn gồm:

- Vợ hoặc chồng (khi thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương);

- Cả vợ và chồng (khi thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình);

- Cha, mẹ, người thân thích khác nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện sau đây:

  • Một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
  • Là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Đặc biệt lưu ý: Nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được quyền yêu cầu ly hôn. Đồng nghĩa, nếu thuộc các trường hợp này thì chỉ người vợ được yêu cầu ly hôn mà người chồng thì không.

Như vậy, hiện nay, người có quyền yêu cầu ly hôn là vợ, chồng hoặc cả hai vợ chồng; người thứ ba nếu đáp ứng yêu cầu đã nêu ở trên.

Có được ủy quyền để ly hôn không?

Câu hỏi: Hiện nay, chồng tôi hay uống rượu về và đánh đập tôi cùng con. Không chỉ vậy, anh ấy còn hay lấy tiền trong nhà đi đánh bài nên tôi muốn ly hôn với anh ấy. Nhưng do mới sinh bé nên không làm thủ tục ly hôn được. Vậy giờ tôi thuê luật sư thay mặt tôi thực hiện việc ly hôn được không? - Thùy Mai - Hải Phòng.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.

Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình thì họ là người đại diện

Như vậy, trong việc ly hôn, vợ, chồng không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 đã nêu ở trên, người thứ ba chỉ được phép yêu cầu ly hôn nếu vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác và là nạn nhân bạo lực gia đình, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần. Trong trường hợp này, người thứ ba chỉ thực hiện với vai trò người đại diện.

Căn cứ vào câu hỏi của chị, có thể thấy, chị không thuộc trường hợp được người thứ ba đại diện yêu cầu ly hôn. Do đó, chị phải trực tiếp yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn của mình thông qua việc tự ký đơn ly hôn đơn phương, viết đơn ly hôn

uy quyen ly hon

Vợ, chồng có được ủy quyền ly hôn cho người khác không? (Ảnh minh họa)

Nhờ người nộp đơn ly hôn được không?

Câu hỏi: Xin cho tôi hỏi. Hiện tôi đang ở nước ngoài. Tôi nghe nói không được ủy quyền cho người khác ly hôn hộ mình nhưng giờ tôi chưa thể về nước thì tôi nhờ mẹ ở Việt Nam nộp đơn ly hôn đơn phương trước được không? Tôi sẽ sắp xếp công việc sớm nhất có thể để về giải quyết ly hôn ở Tòa thì có được không? - Trần Văn An - Bình Dương.

Căn cứ theo quy định tại Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, hiện có các cách thức nộp đơn khởi kiện ly hôn đơn phương sau đây:

- Nộp trực tiếp tại Tòa án;

- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Đồng thời, theo quy định tại khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vợ, chồng không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng ly hôn. Do đó, pháp luật không cấm ủy quyền cho người khác nộp đơn ly hôn.


Không tham dự phiên tòa, yêu cầu ly hôn vắng mặt?

Câu hỏi: Nếu không thể nhờ người khác tham gia phiên tòa thì khi tôi vắng mặt, phiên tòa có bị hoãn hay dừng không? Có ly hôn vắng mặt một trong hai vợ chồng tôi được không? Nếu được thì tôi phải làm đơn thế nào để Tòa án chấp nhận? Tôi cảm ơn! - Anh Nguyễn Hoài Nam - Phú Thọ.

Theo Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án trong các trường hợp sau đây:

1. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;

2. Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia phiên tòa;

3. Các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều 227 của Bộ luật này.

Căn cứ quy định này, nếu một trong hai bên vợ chồng vắng mặt thì Tòa án vẫn giải quyết ly hôn nếu thuộc các trường hợp sau đây:

- Có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt;

- Có người đại diện tham gia phiên tòa (trong trường hợp vợ hoặc chồng có bệnh tâm thần, mắc bệnh khác và là nạn nhân của bạo lực gia đình… đã nêu ở trên);

- Do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.

Không chỉ vậy, nếu sau hai lần triệu tập hợp lệ mà nguyên đơn không có mặt thì Tòa sẽ đình chỉ giải quyết ly hôn đơn phương; bị đơn vắng mặt lần thứ nhất sau khi được triệu tập hợp lệ thì hoãn phiên tòa nhưng đến lần thứ hai vẫn vắng mặt thì Tòa sẽ xét xử vắng mặt.

Như vậy, khi vợ hoặc chồng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa vẫn giải quyết việc ly hôn nhưng thời gian giải quyết sẽ lâu hơn.

Để xem thêm thủ tục ly hôn vắng mặt, độc giả tham khảo bài viết này.

Về đơn đề nghị xét xử vắng mặt, quý độc giả có thể tham khảo mẫu đơn dưới đây:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

.................., ngày......tháng......năm .........

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

(về việc yêu cầu ly hôn vắng mặt)

Kính gửi:  Tòa án nhân dân …………………………..………………………..

Tôi là: ………………………………………………………………….………….

Sinh ngày ………. tháng ………….. năm …………………………………….…

CMND/Căn cước công dân/hộ chiếu số:……..… do….. cấp ngày ……….…

Hộ khẩu thường trú tại: …………………………………………….….…………

Chỗ ở hiện tại: ………………………………………………………………..…..

Tôi là ……. trong vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ….…và bị đơn là ……..

Hiện nay, do tôi …………………………………………………………………..

nên không thể tham gia phiên tòa xét xử được.

Ngoài ra, dưới đây tôi xin trình bày yêu cầu của mình các nội dung sau:

1. Về quan hệ hôn nhân: ………………………………………………………….

2. Về con chung: ………………………………………………………………….

3. Về công nợ chung: ……………………………………………………………..

Vì lý do nêu trên, tôi kính mong quý Tòa chấp thuận sự vắng mặt của tôi trong quá trình giải quyết ly hôn với chồng/vợ tôi là …………………………

Tôi xin cam kết những nội dung đã trình bày trong đơn này là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Rất mong nhận được sự giúp đỡ của quý Toà. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người làm đơn

(Ký, ghi rõ họ tên)

Ghi chú:

(1) Nêu tư cách của người làm đơn đề nghị. Là nguyên đơn, bị đơn…

(2) Trình bày yêu cầu như trong Đơn ly hôn thuận tình và Đơn ly hôn đơn phương.

Căn cứ các quy định trên, vợ, chồng nếu muốn ly hôn có thể gửi đơn ly hôn đến Tòa án theo đường bưu chính, gửi thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Nếu không thực hiện được 02 biện pháp này thì có thể nhờ người nộp trực tiếp đơn đến Tòa án. Tuy nhiên, vợ, chồng không được ủy quyền cho người khác thực hiện ly hôn tại Tòa án.

Trên đây là quy định về việc ủy quyền ly hôn. Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được giải đáp nhanh nhất.

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục