Uỷ quyền là một trong những giao dịch phổ biến trong các giao dịch về nhà, đất: Uỷ quyền mua bán, uỷ quyền đặt cọc, uỷ quyền sang tên Sổ đỏ... Vậy có được uỷ quyền cho người khác đứng tên thay trên Sổ đỏ không?
Uỷ quyền đứng tên Sổ đỏ, có được không?
Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai nêu rõ:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hay thường gọi là Sổ đỏ, Sổ hồng. Đây là chứng thư để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của cá nhân, tổ chức với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở... đó.
Ngoài ra, về việc thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở trên Sổ đỏ, Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BNTMT quy định như sau:
- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản được cấp Giấy chứng nhận được ghi trên Sổ đỏ, Sổ hồng với các thông tin: Họ tên, năm sinh, tên, số giấy tờ nhân thân, địa chỉ thường trú.
- Chủ sở hữu đất và chủ sử dụng đất không cùng là một người thì sẽ cấp riêng Sổ đỏ, Sổ hồng cho từng người và Sổ cấp cho người nào thì chỉ ghi thông tin của người đó.
- Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản và có thoả thuận về việc cấp Sổ đỏ cho người đại diện thì văn bản thoả thuận này phải được công chứng, chứng thực và Giấy chứng nhận này sẽ cấp cho người đại diện đó. Tuy nhiên, trên Sổ đỏ, ngoài dòng ghi thông tin về người đại diện thì vẫn phải ghi đầy đủ các thông tin của các người đồng sử dụng, đồng sở hữu khác.
Trong khi đó, uỷ quyền được quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Theo quy định này, việc uỷ quyền chỉ xảy ra khi các bên có thoả thuận để một bên thực hiện công việc thay mặt cho bên khác và hợp đồng uỷ quyền có thể có hoặc không có thù lao.
Có thể thấy, uỷ quyền là hướng đến việc "thực hiện thay một công việc" trong khi đứng tên trên Sổ đỏ lại thể hiện sự công nhận của Nhà nước về quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất của cá nhân. Đây là hai vấn đề không liên quan đến nhau.
Như vậy, căn cứ các quy định trên, chỉ có trường hợp đại diện đứng tên trên Sổ đỏ khi có nhiều người đồng sở hữu, đồng sử dụng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở mà không được uỷ quyền đứng tên thay trên Sổ đỏ.
Nhờ người khác đứng tên Sổ đỏ - tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo Thông tư 23/2014 nêu trên, việc đứng tên trên Sổ đỏ đồng nghĩa là chủ sở hữu, chủ sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Đồng thời, việc đứng tên thay trên Sổ đỏ cũng không được pháp luật công nhận. Do đó, có thể kể đến một số rủi ro thường gặp khi nhờ người khác đứng tên thay trên Sổ đỏ:
- Người được uỷ quyền không sang tên Sổ đỏ lại cho người uỷ quyền (chủ sở hữu, sử dụng thực sự của quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở), không trả lại tài sản cho người uỷ quyền... sẽ dẫn đến tranh chấp.
- Khi có tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, khó có căn cứ để xác định chủ sở hữu thực sự của quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
- Người được uỷ quyền đứng tên trên Sổ đỏ có thể chuyển nhượng, tặng cho... cho người khác nếu đủ điều kiện...
Trên đây là giải đáp về câu hỏi: Có được uỷ quyền đứng tên Sổ đỏ không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.