Tục bắt vợ có vi phạm quy định pháp luật không?

Thời gian gần đây, xuất hiện trên mạng xã hội nhiều vụ việc về hủ tục bắt vợ tại các vùng miền núi của Hà Giang, Sơn La... Vậy tục bắt vợ có vi phạm pháp luật không?


Tục bắt vợ là gì? Biến tướng của tục bắt vợ thế nào?

Tục bắt vợ thực chất là tục kéo dâu của người Mông, người Thái. Theo đó, đây là một phong tục tốt đẹp và nhân văn của các dân tộc này khi hai bên nam, nữ đáp ứng các điều kiện: Cả hai yêu thương nhau thật lòng và cả hai đều đã đủ tuổi kết hôn.

Khi bị nhà gái ngăn cản hoặc khi người nam không đủ tiền cươi vợ thì tối đến hai người hẹn nhau và người con trai đưa cô gái về nhà mình sau đó sẽ thông báo cho nhà gái và tổ chức đám cưới sau.

Tuy nhiên, hiện nay, tục lệ này đã bị biến tướng và trở thành hiện tượng xấu trong xã hội. Nhiều thanh niên lợi dụng tục bắt vợ hay tục kéo dâu để bắt người con gái về làm vợ mình mà không có sự đồng ý của cô gái này.

Không chỉ vậy, nhiều người còn lợi dụng tục này để tổ chức đám cưới cho nam nữ chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Đặc biệt, theo phụ lục ban hành kèm Nghị định 126/2014/NĐ-CP, tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ mình là một trong các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cấm áp dụng bởi nó đã vi phạm quy tắc tự nguyện trong hôn nhân tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình và là một trong các trường hợp bị cấm kết hôn theo điểm b khoản 2 Điều 5 Luật này.

Tục bắt vợ có phạm luật không?

Tuỳ vào mục đích của hành vi bắt vợ, người vi phạm có thể bị xử lý theo các hình thức như sau:

1. Cưỡng ép kết hôn

- Xử phạt hành chính: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP).

- Chịu trách nhiệm hình sự: Bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 03 năm theo Điều 181 Bộ luật Hình sự về Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện nếu:

+ Cưỡng ép người khác kết hôn trái sự tự nguyện của họ.

+ Đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm.

2. Tảo hôn

- Xử phạt hành chính: Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu vẫn giữ mối quan hệ vợ chồng trái luật với người chưa đủ tuổi kết hôn dù Toà án đã có bản án, quyết định có hiệu lực về việc chấm dứt quan hệ này.

- Chịu trách nhiệm hình sự: Căn cứ Điều 183 Bộ luật Hình sự về Tội tổ chức tảo hôn thì người tổ chức tảo hôn cho người chưa đủ tuổi kết hôn sẽ bị phạt tù đến 02 năm.

Xem thêm...


3. Bắt, giam, giữ người trái pháp luật

Theo Điều 23 Hiến pháp, công dân có quyền tự do đi lại cũng như cư trú ở trong nước, ra nước ngoài hay từ nước ngoài về nước. Do đó, đây là một trong những quyền cơ bản của công dân mà không ai được xâm phạm.

Khi lợi dụng tục bắt vợ để bắt giữ, giam giữ người trái luật có thể bị xử lý về Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật tại Điều 157 Bộ luật Hình sự, sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi năm 2017 với các khung hình phạt như sau:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Phạt tù từ 02 - 07 năm: Phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội 02 lần trở lên; với hai người; với người dưới 18 tuổi, phụ nữ biết là có thai, người già yếu...

- Phạt tù từ 05 - 12 năm: Nếu làm người bị bắt, giữ, giam chết/tự sát; tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo... người này.

Trên đây là giải đáp về tục bắt vợ có phạm luật không? Nếu còn bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ 1900.6192 để gặp chuyên gia pháp lý của LuatVietnam.

>> 8 trường hợp bị cấm đăng ký kết hôn phải tránh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.