Bị cha mẹ cấm, hai bên có được quyền tự kết hôn không?

Rất nhiều trường hợp cha mẹ ngăn cấm con cái kết hôn với nhau và gây ra hậu quả đáng tiếc. Do đó, vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là khi bị cha mẹ cấm đoán, nam, nữ có được tự mình đăng ký kết hôn không?


Đăng ký kết hôn có cần sự đồng ý của cha mẹ không?

Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình (viết tắt là Luật HN&GĐ), việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Đặc biệt, nếu không đăng ký theo quy định của Luật HN&GĐ thì không có giá trị pháp lý. Đồng nghĩa, nếu việc kết hôn không được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì pháp luật không công nhận quan hệ hôn nhân giữa hai người nam, nữ.

Đáng chú ý: Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.

Theo đó, Điều 8 Luật HN&GĐ nêu rõ, điều kiện để nam, nữ được kết hôn với nhau và được pháp luật công nhận là:

- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện thực hiện;

- Nam, nữ không bị mất năng lực hành vi dân sự;

- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn gồm: Kết hôn giả tạo; tảo hôn; cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn; việc kết hôn được thực hiện bởi người đang có vợ hoặc có chồng; kết hôn với người cùng dòng máu trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời…

Đồng thời, khoản 2 Điều 8 Luật này khẳng định:

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính

Như vậy, căn cứ các quy định trên, sự đồng ý của cha mẹ không phải là điều kiện để pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân giữa nam và nữ. Do đó, cha mẹ dù không đồng ý nhưng nếu nam, nữ đáp ứng đầy đủ các quy định nêu trên thì vẫn được pháp luật công nhận quan hệ hôn nhân.

Tuy nhiên, trên thực tế, với sự ràng buộc trong quan hệ giữa cha mẹ và con ở Việt Nam, thông thường việc kết hôn của nam nữ phải được sự đồng ý cùng chúc phúc của cha mẹ hai bên.

Bởi vậy, mặc dù pháp luật không quy định nhưng khi tiến tới hôn nhân, hai bên nam, nữ nên có được sự đồng ý của cha mẹ.

​Có được tự đăng ký kết hôn khi bị cha mẹ cấm không?
Có được tự đăng ký kết hôn khi bị cha mẹ cấm không? (Ảnh minh họa)

Cha mẹ không có quyền ngăn cản con cái kết hôn?

Theo phân tích ở trên, sự đồng ý của cha mẹ không ảnh hưởng đến việc đăng ký kết hôn và được pháp luật công nhận mối quan hệ hôn nhân của cặp đôi nam, nữ.

Đồng thời, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ, cản trở kết hôn là một trong những hành vi bị pháp luật cấm. Theo đó, nếu cấm con cái kết hôn, cha mẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc nặng hơn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự:

- Bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng: Cản trở người khác kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác (theo khoản 2 Điều 55 Nghị định 167/201/NĐ-CP).

- Bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm: Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục cản trở người khác kết hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác (theo Điều 181 Bộ luật Hình sự).

Nói tóm lại, cặp đôi nam, nữ được tự mình đăng ký kết hôn khi bị cha mẹ cấm. Tuy nhiên, phải đáp ứng mọi điều kiện quy định và đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì quan hệ hôn nhân sẽ được pháp luật công nhận.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, độc giả hãy theo dõi bài viết dưới đây:

>> Không cho con kết hôn, cha mẹ có thể bị phạt nặng!

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

2 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế nhà đất

2 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế nhà đất

2 trường hợp không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế nhà đất

Vì nhiều lý do khác nhau mà người lập di chúc không để lại tài sản của mình cho cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên. Pháp luật dự liệu trước trường hợp này xảy ra trên thực tế nên quy định đối tượng không có tên trong di chúc vẫn hưởng thừa kế.