Sau ly hôn, ngoài việc chấm dứt quan hệ hôn nhân cũng như vấn đề tài sản giữa hai vợ chồng, việc cấp dưỡng nuôi con cũng gây nhiều tranh chấp phát sinh thực tế.
1. Không ở chung với con, cha/mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn đã được quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014:
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Theo quy định này, khi ly hôn, người không sống chung với con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trong trường hợp:
- Con chưa thành niên;
- Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Do đó, không phải mọi trường hợp cha mẹ ly hôn, người không sống chung với con đều phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà chỉ khi con chung thuộc một trong hai trường hợp nêu trên.
Thế nhưng trên thực tế, không phải ai cũng thực hiện nghĩa vụ này. Đặc biệt, có rất nhiều trường hợp vợ vất vả nuôi con một mình trong khi chồng lẩn tránh trách nhiệm cấp dưỡng theo quy định, dù đủ khả năng để thực hiện nghĩa vụ.
2. Vợ có được kiện ra Tòa khi chồng không cấp dưỡng sau ly hôn?
Như phân tích ở trên, việc cấp dưỡng cho con thuộc một trong hai trường hợp đã nêu là nghĩa vụ của người không sống cùng con. Theo Điều 108 Luật Hôn nhân và Gia đình, mức cấp dưỡng trong trường hợp này sẽ do các bên thỏa thuận.
Đặc biệt: Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Đồng thời, nếu có tranh chấp thì có thể khởi kiện đến Tòa án để đòi người có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Ngoài ra, đây cũng là nội dungg được nêu tại khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014:
Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Như vậy, trong trường hợp người chồng cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, người vợ có thể yêu cầu Tòa án buộc người chồng thực hiện nghĩa vụ này.
Chồng trốn cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, phải làm sao? (Ảnh minh họa)
3. Thủ tục khởi kiện đòi tiền cấp dưỡng cho con khi ly hôn
Để đòi tiền cấp dưỡng, vợ hoặc chồng cần phải thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
Hồ sơ khởi kiện
Bởi sau khi ly hôn xong mới phát sinh việc cấp dưỡng nên hồ sơ trong trường hợp vợ muốn khởi kiện chồng để đòi cấp dưỡng gồm:
- Đơn khởi kiện về việc cấp dưỡng.
- Bản sao có chứng thực giấy chứng minh nhân dân của cha mẹ.
- Bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu của cha mẹ.
- Quyết định/ Bản án ly hôn.
- Chứng cứ chứng minh thu nhập của người chồng.
- Bản sao có chứng thực giấy sinh của con.
Tòa án có thẩm quyền giải quyết
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 25 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện đòi tiền cấp dưỡng là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thường trú hoặc tạm trú.
Thời gian giải quyết
Cũng tương tự như các vụ khởi kiện khác, khi khởi kiện đòi cấp dưỡng, vụ án sẽ trải qua các khoảng thời gian gồm:
- Xem xét đơn: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn.
- Thụ lý vụ án: 05 ngày kể từ ngày Thẩm phán được phân công. Nếu đơn khởi kiện không đúng quy định thì có thể chuyển cho đơn vị có thẩm quyền khác hoặc trả lại đơn.
- Thông báo thụ lý vụ án: 03 ngày làm việc.
- Phân công Thẩm phán giải quyết: 03 ngày làm việc.
- Chuẩn bị xét xử: Khoảng 04 tháng với các công việc như lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, hòa giải… Nếu vụ án phức tạp thì thời gian này có thể kéo dài đến không quá 02 tháng nữa.
- Mở phiên Tòa: 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Như vậy, căn cứ các mốc thời gian trên, một vụ kiện đòi cấp dưỡng có thể kéo dài từ 06 - 08 tháng tùy vào tính chất của từng vụ án.
Phí, lệ phí
Tiền tạm ứng án phí được quy định cụ thể tại Nghị quyết 326/2016 xem cụ thể tại đây.
Các thủ tục cần làm để đòi tiền cấp dưỡng sau khi ly hôn (Ảnh minh họa)
4. Thủ tục yêu cầu thi hành án nếu chồng cố tình không cấp dưỡng
Sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa nhưng người phải cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ của mình thì người còn lại phải yêu cầu thi hành án. Cụ thể, thủ tục như sau:
Thời hiệu yêu cầu cấp dưỡng
Theo khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự, kể từ ngày quyết định, bản án có hiệu lực, người đòi cấp dưỡng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định trả tiền cấp dưỡng:
- Nếu trong bản án, quyết định có nêu rõ thời hạn cấp dưỡng thì 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ cấp dưỡng đến hạn.
- Nếu bản án, quyết định quy định cấp dưỡng theo định kỳ như theo tháng, quý hoặc năm… thì thời hiệu 05 năm được tính cho từng kỳ kể từ ngày đến hạn.
Hồ sơ cần nộp để yêu cầu thi hành bản án về tiền cấp dưỡng
Căn cứ khoản 13 Điều 1 Luật Thi hành án sửa đổi năm 2014, hồ sơ cần có:
- Đơn yêu cầu thi hành án hoặc nếu nội dung yêu cầu trình bày bằng lời nói thì sẽ được lập biên bản, có chữ ký của người lập. Biên bản này có giá trị như đơn yêu cầu.
- Bản án, quyết định hoặc tài liệu khác có liên quan.
Hình thức nộp: Trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc ủy quyền cho người khác hoặc gửi qua bưu điện.
Thời gian giải quyết
Khi tiếp nhận yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án phải kiểm tra nội dung yêu cầu và các tài liệu kèm theo. Đồng thời, sẽ thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu trong thời gian 05 ngày làm việc:
- Từ chối: Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành nội dung không liên quan đến bản án, quyết định hoặc không phát sinh quyền, nghĩa vụ của người phải cấp dưỡng trong bản án, quyết định; Cơ quan thi hành án không có thẩm quyền; Hết thời hiệu.
- Ra quyết định thi hành án.
Khi nào chồng bị cưỡng chế thi hành tiền cấp dưỡng?
Căn cứ Điều 46 Luật Thi hành án dân sự, hết thời hạn 10 ngày tự nguyện thi hành án mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế.
Tuy nhiên, sẽ không cưỡng chế trong thời gian 22 giờ hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau, ngày nghỉ, lễ và các trường hợp đặc biệt khác.
Phí, lệ phí là bao nhiêu?
Theo điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị quyết 326 năm 2016, việc buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thuộc trường hợp được miễn lệ phí Tòa án.
5. Không cấp dưỡng nuôi con có thể bị phạt tù
Theo điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, sẽ phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định.
Căn cứ vào quy định này, hành vi không cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn theo bản án, quyết định của Tòa án sẽ bị áp dụng mức phạt từ 03 - 05 triệu đồng.
Trong khi đó, khoản 37 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định cụ thể về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng với mức phạt tối đa là 02 năm tù:
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm
Như vậy, nếu trốn tránh cấp dưỡng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 03 - 05 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù đến 02 năm.
Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 1900 6192 để được giải đáp nhanh nhất.
>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?
>> Mẫu Đơn ly hôn chuẩn của Tòa án và thủ tục ly hôn nhanh nhất