Tiền tạm ứng án phí ly hôn là bao nhiêu? Do ai nộp?

Để được giải quyết ly hôn, vợ, chồng cần phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính (nộp đầy đủ tiền tạm ứng án phí cùng tiền án phí ly hôn). Vậy khi nộp tạm ứng, ai là người nộp? Phải nộp bao nhiêu?

1. Ai phải nộp tạm ứng án phí, lệ phí ly hôn?

Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu rõ, quyền và nghĩa vụ của đương sự khi tham gia tố tụng gồm:

Nộp tiền tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí, án phí, lệ phí và chi phí tố tụng khác theo quy định của pháp luật;

Trong đó, tiền tạm ứng án phí, lệ phí gồm tạm ứng án phí, lệ phí sơ thẩm và phúc thẩm. Về nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án, ngoài người được miễn hoặc không phải nộp thì Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định gồm các đối tượng sau:

- Nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự.

- Người kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm thì nộp tạm ứng án phí phúc thẩm.

- Người nộp yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Đây là quy định chung với các vụ án, vụ việc dân sự. Với việc ly hôn, hiện có hai hình thức là ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình. Trong đó:

- Ly hôn đơn phương hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên: Hình thức này là một trong hai vợ, chồng yêu cầu ly hôn khi người còn lại có hành vi bạo lực gia đình, vi phạm nghĩa vụ vợ, chồng… khiến cuộc sống chung của vợ, chồng không thể kéo dài, cuộc sống hôn nhân không đạt được… (căn cứ Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình).

- Ly hôn thuận tình: Đây là việc ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ, chồng. Hai người cũng đã đạt được thỏa thuận về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân, chia tài sản, cấp dưỡng, nuôi con, nợ chung… và yêu cầu Tòa án công nhận sự thỏa thuận của hai người (căn cứ Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình).

Theo đó, về bản chất, có thể thấy, ly hôn đơn phương là vụ án dân sự, ly hôn thuận tình là vụ việc dân sự. Bởi vậy, nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí trong trường hợp ly hôn sẽ là:

- Ly hôn đơn phương: Người yêu cầu ly hôn đơn phương nộp tạm ứng án phí ly hôn. Nếu người còn lại có yêu cầu phản tố thì sẽ là người phải nộp án phí ly hôn.

- Ly hôn thuận tình: Theo khoản 2 Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự, vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tạm ứng lệ phí trong đó có thể thỏa thuận ai là người phải nộp trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp. Nếu không thỏa thuận được thì mỗi người sẽ phải nộp một nửa tiền tạm ứng lệ phí theo quy định.

tien tam ung an phi ly hon


2. Tiền tạm ứng án phí ly hôn là bao nhiêu?

Mức tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH. Cụ thể như sau:

- Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch: Bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch.

- Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch được tính theo giá trị tài sản có tranh chấp (mức giá dự tính của Tòa án) nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch.

- Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm: Bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.

Theo đó, trong việc ly hôn, mức án phí, lệ phí ly hôn sẽ bao gồm:

- Nếu ly hôn không có giá ngạch tức là ly hôn mà hai vợ, chồng đã thỏa thuận được về việc phân chia tài sản và không yêu cầu Tòa án phân chia hoặc yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc khi hai vợ, chồng không có tài sản chung để phân chia (không có giá ngạch): 300.000 đồng.

- Nếu ly hôn có giá ngạch tức là trong vụ việc ly hôn, vợ, chồng yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung, nợ chung… thì mức tạm ứng án phí, lệ phí như sau:

STT

Giá trị tài sản tranh chấp

Mức tạm ứng án phí, lệ phí

1

Từ 06 triệu đồng trở xuống

150.000 đồng

2

Từ trên 06 - 400 triệu đồng

2,5% giá trị tài sản tranh chấp

3

Từ trên 400 - 800 triệu đồng

10 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng

4

Từ trên 800 triệu đồng đến 02 tỷ đồng

18 triệu đồng + 1,5% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng

5

Từ trên 02- 04 tỷ đồng

36 triệu đồng + 1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 01 tỷ đồng

6

Từ trên 04 tỷ đồng

56 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỷ đồng.


3. Thời hạn nộp tạm ứng án phí ly hôn là khi nào?

Về việc thụ lý vụ án dân sự nói chung và vụ án ly hôn đơn phương nói riêng, Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định, sau khi nhận được đơn xin ly hôn đơn phương, Thẩm phán sẽ thông báo cho người muốn ly hôn đơn phương đến Tòa để nộp tạm ứng án phí (nếu thuộc trường hợp phải nộp).

Sau đó, Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng phải nộp, ghi vào giấy báo và giao cho người muốn ly hôn đơn phương. Người này phải nộp tạm ứng trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa trừ trường hợp có lý do chính đáng.

Đây cũng là thời hạn được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 17 Nghị quyết 326 năm 2016.

Về lệ phí Tòa án, điểm a khoản 3 Điều 17 Nghị quyết 326 nêu rõ:

Tạm ứng lệ phí giải quyết việc dân sự: Người phải nộp tiền tạm ứng lệ phí có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm và nộp cho Tòa án biên lai nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng

Theo đó, khi ly hôn thuận tình, các bên phải nộp tạm ứng lệ phí Tòa án trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí.

Trên đây là phân tích về tiền tạm ứng án phí ly hôn là bao nhiêu? Nếu còn thắc mắc hoặc cần tính cụ thể mức tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí ly hôn, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Án phí ly hôn mới nhất là bao nhiêu?

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục