Thủ tục tuyên bố một người đã chết thực hiện thế nào?

Khi một người mất tích đã quá lâu thì người thân sẽ tuyên bố người đó đã chết. Vậy điều kiện và thủ tục tuyên bố một người đã chết thực hiện thế nào?


1. Điều kiện tuyên bố một người đã chết

Không phải trường hợp nào cũng có thể tuyên bố một người là đã chết mà cần phải căn cứ vào các điều kiện nêu tại Điều 71 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể, một người sẽ bị Toà án tuyên bố là đã chết nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Được người có quyền, lợi ích liên quan (vợ, chồng, con cái...) yêu cầu Toà án ra quyết định.

- Thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Người này đã bị Toà án tuyên bố mất tích (quyết định đã có hiệu lực pháp luật). Sau 03 năm kể từ ngày có quyết định tuyên bố mất tích vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.

- Sau khi biệt tích trong chiến tranh 05 năm vẫn không có tin tức xác thực là còn sống.

- Bị tai nạn hoặc gặp phải thảm hoạ, thiên tai mà sau 02 năm kể từ khi những sự kiện này chấm dứt mà không có tin tức xác thực là con sống trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có thông tin xác thực là còn sống hay đã chết. Trong đó, thời gian xác định là biệt tích được tính từ ngày biết tin cuối cùng của người đó. Nếu không thì xác định theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự như sau:

+ Không xác định được ngày: Tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin cuối cùng.

+ Không xác định được ngày biết tin tức cuối cùng và ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin cuối cùng: Tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Do đó, chỉ khi đáp ứng 02 điều kiện nêu trên thì sau khi nhận được yêu cầu, Toà án căn cứ vào tình hình cụ thể để ra quyết định tuyên bố người đó đã chết.

thu tuc yeu cau tuyen bo mot nguoi da chet

2. Thủ tục yêu cầu tuyên bố chết

2.1 Ai có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết?

Theo khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự, người có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết là người có quyền, lợi ích liên quan đến người đó. Đây cũng là quy định nêu tại khoản 1 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Theo đó, có thể kể đến một số đối tượng được quyền yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người đã chết như sau:

- Người có quan hệ hôn nhân, gia đình với người bị tuyên bố chết: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi...

- Người có quan hệ thừa kế với người bị tuyên bố chết: Người cùng hàng thừa kế của người này, người thừa kế của người bị tuyên bố chết...

2.2 Hồ sơ cần chuẩn bị gồm những gì?

Theo khoản 2 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hồ sơ nộp để yêu cầu Toà án tuyên bố một người là đã chết gồm:

- Đơn yêu cầu (có mẫu).

- Tài liệu, chứng cứ chứng minh người này đã chết theo các trường hợp nêu trên: Bị biệt tích, đã bị tuyên bố mất tích trước đó, gặp thảm hoạ, thiên tai...

- Giấy tờ nhân thân chứng minh bản thân là người có quyền yêu cầu Toà án ra quyết định: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hạn, các giấy tờ chứng minh quyền, nghĩa vụ liên quan giữa người yêu cầu và người bị yêu cầu tuyên bố đã chết (bản sao).

2.3 Đến Toà án nào để yêu cầu tuyên bố một người đã chết?

Toà án cấp huyện nơi người bị tuyên bố đã chết cư tru cuối cùng theo điểm a khoản 2 Điều 35 và điểm b khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Ngoài ra, theo điểm a khoản 2 Điều 40 Bộ luật này, người yêu cầu còn có quyền chọn Toà án cấp huyện nơi minh cư trú, làm việc để giải quyết.

2.4 Thời gian giải quyết có lâu không?

Để giải quyết yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết, theo Điều 392, Điều 393 Bộ luật Tố tụng dân sự, việc này phải trải qua các giai đoạn sau đây:

- 20 ngày sau khi thụ lý đơn yêu cầu: Toà án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin người bị yêu cầu tuyên bố đã chết với thời hạn trong vòng 04 tháng.

- 20 ngày kể từ ngày hết hạn thông báo: Toà án mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Nếu chấp nhận đơn thì ra quyết định tuyên bố một người đã chết.

Như vậy, trung bình thời gian giải quyết yêu cầu tuyên bố một người đã chết thường kéo dài khoảng 06 tháng.

2.5 Lệ phí là bao nhiêu?

Theo danh mục án phí, lệ phí Toà án ban hành kèm Nghị quyết số 326/2016, lệ phí yêu cầu Toà án tuyên bố một người đã chết là 300.000 đồng.


3. Hậu quả khi tuyên bố một người đã chết

Điều 72 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, khi một người bị Toà án tuyên bố là đã chết thì quan hệ hôn nhân, tài sản của người này được giải quyết như với người chết:

- Quan hệ hôn nhân: Hôn nhân chấm dứt (theo Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình).

- Quan hệ tài sản: Chia tài sản của người bị tuyên bố là đã chết theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Xem thêm...


4. Mẫu đơn yêu cầu tuyên bố một người đã chết

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------o0o--------

ĐƠN YÊU CẦU

GIẢI QUYẾT VIỆC DÂN SỰ

(V/v: Yêu cầu tuyên bố một người đã chết)

Kính gửi: Tòa án nhân dân……………………………………………… (1)

Người yêu cầu giải quyết việc dân sự: (2)...........................................

Địa chỉ: (3) ............................................................................................

Số điện thoại (nếu có): ………………….; Fax (nếu có):........................

Địa chỉ thư điện tử (nếu có): .................................................................

Tôi (chúng tôi) xin trình bày với Tòa án nhân dân (1) ...........................
việc như sau:

- Những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết: Yêu cầu tuyên bố ông/bà ….. đã chết.

- Lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết đối với những vấn đề nêu trên: (4)…..…...............

- Tên và địa chỉ của những người có liên quan đến những vấn đề yêu cầu Tòa án giải quyết: (5) ...........................

- Các thông tin khác (nếu có): (6) ............................................................

Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu: (7)

1. .............................................................................................................

2. .............................................................................................................

Tôi (chúng tôi) cam kết những lời khai trong đơn là đúng sự thật.

………., ngày......tháng......năm…. (8)

        NGƯỜI YÊU CẦU (9)

Hướng dẫn cách viết:

(1) Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố đã chết cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu này.

Ví dụ: Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội; Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định.

(2) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh và số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác; Nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi tên cơ quan, tổ chức và họ tên của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp có nhiều người cùng làm đơn yêu cầu thì đánh số thứ tự 1, 2, 3,... và ghi đầy đủ các thông tin của từng người.

(3) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì ghi đầy đủ địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của người đó tại thời điểm làm đơn.

Ví dụ: Thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội;

Nếu là cơ quan, tổ chức thì ghi địa chỉ trụ sở của cơ quan, tổ chức đó tại thời điểm làm đơn yêu cầu.

Ví dụ: Trụ sở tại số 82 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.(4) Ghi rõ lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự đó: Có thể yêu cầu tuyên bố một người đã chết để làm thủ tục ly hôn, phân chia di sản thừa kế …..

(5) Ghi rõ họ tên, địa chỉ nơi cư trú, nơi làm việc (nếu có) của những người mà người yêu cầu nhận thấy có liên quan đến việc giải quyết việc dân sự đó.

(6) Ghi những thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình.

(7) Ghi rõ tên các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu, là bản sao hay bản chính, theo thứ tự 1, 2, 3,…

Ví dụ:

1. Bản sao Giấy khai sinh của ông Nguyễn Văn A;

2. Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của ông Trần Văn B và bà Phạm Thị C;.....

(8) Ghi địa điểm, thời gian làm đơn yêu cầu

Ví dụ: Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2019; Yên Bái, ngày 12 tháng 12 năm 2018.

(9) Nếu người yêu cầu là cá nhân thì phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người đó; Nếu là cơ quan, tổ chức thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên, ghi rõ họ tên, chức vụ của mình và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó. Trường hợp có nhiều người cùng yêu cầu thì cùng ký và ghi rõ họ tên của từng người vào cuối đơn yêu cầu.

Trên đây là quy định về thủ tục yêu cầu tuyên bố một người đã chết. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Người thân mất tích bao lâu thì được báo công an?

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

Nhiều người đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài, khi về Việt Nam thắc mắc có phải làm thủ tục đăng ký lại không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để biết cụ thể giải đáp vấn đề: Đã đăng ký kết hôn ở nước ngoài có phải đăng ký lại ở Việt Nam không?

3 đối tượng không được làm chứng lập di chúc thừa kế nhà đất

3 đối tượng không được làm chứng lập di chúc thừa kế nhà đất

3 đối tượng không được làm chứng lập di chúc thừa kế nhà đất

Di chúc bằng văn bản có người làm chứng hoặc không có người làm chứng vẫn có giá trị pháp lý nếu có đủ điều kiện. Riêng với di chúc thừa kế nhà đất bằng văn bản có người làm chứng thì ai cũng có thể làm chứng, trừ những đối tượng không được làm chứng lập di chúc thừa kế nhà đất dưới đây.