Điều kiện và thủ tục người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam

Bên cạnh việc nhận con nuôi trong nước, trong một số trường hợp nhất định, người nước ngoài vẫn có thể nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi. Dưới đây, LuatVietnam hướng dẫn thủ tục để người nước ngoài nhận con nuôi người trẻ em Việt Nam.

Khi nào người nước ngoài được nhận con nuôi?

Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài (khoản 5 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi 2010).

Việc nhận nuôi phải được thực hiện theo những nguyên tắc được nêu tại Điều 5 Luật Nuôi con nuôi với thứ tự ưu tiên:

- Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;

- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;

- Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;

- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.

Trong đó, chỉ được cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được người nhận nuôi ở trong nước.

Người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam

Người nước ngoài nhận con nuôi ở Việt Nam (Ảnh minh họa)

Điều kiện người nước ngoài được nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi?

Để được nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi, cả người nước ngoài thường trú ở nước ngoài và người nước ngoài thường trú ở Việt Nam đều phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 14 của Luật Nuôi con nuôi gồm:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

- Có tư cách đạo đức tốt;

- Không thuộc các trường hợp: Đang chấp hành quyết định xử phạt hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; Đang chấp hành hình phạt tù; Chưa được xóa án tích về một trong những tội như mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em…

Ngoài ra, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài còn phải đáp ứng các điều kiện của pháp luật nước người đó thường trú.

Người nước ngoài nhận con nuôi đăng ký ở đâu?

Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi được quy định cụ thể tại Điều 9 Luật Nuôi con nuôi và hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi bởi Nghị định 24/2019/NĐ-CP):

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi;

- Nếu trẻ em có cơ sở nuôi dưỡng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng trẻ em.

Sau khi có quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Sở Tư pháp sẽ thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi nước ngoài.

Lệ phí phải nộp khi người nước ngoài nhận con nuôi

Theo Nghị định số 114/2016/NĐ-CP, Chính phủ quy định cụ thể mức lệ phí khi người nước ngoài đăng ký nhận con nuôi như sau:

STT

Trường hợp

Lệ phí

2

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận công dân Việt Nam làm con nuôi

09 triệu đồng

3

Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận công dân Việt Nam làm con nuôi

4,5 triệu đồng

4

Người nước ngoài cư trú ở khu vực biên giới của nưới láng giềng nhận trẻ em Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới Việt Nam làm con nuôi

4,5 triệu đồng

5

Đăng ký nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

150 đô la Mỹ

Ngoài những khoản lệ phí này, người nước ngoài nếu không thường trú ở Việt Nam còn phải trả thêm một khoản tiền bù đắp một phần chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài:

- Chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi;

- Chi phí xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi;

- Chi phí giao nhận con nuôi;

- Thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.

Thủ tục nhận nuôi con nuôi của người nước ngoài

Thủ tục nhận nuôi con nuôi của người nước ngoài (Ảnh minh họa)

Thủ tục khi người nước ngoài nhận con nuôi

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ của người nhận nuôi: Chuẩn bị 02 bộ:

- Đơn xin nhận con nuôi;

- Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (Bản sao);

- Văn bản cho phép được nhận con nuôi ở Việt Nam;

- Bản điều tra về tâm lý, gia đình;

- Văn bản xác nhận tình trạng sức khoẻ;

- Văn bản xác nhận thu nhập và tài sản;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

- Tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được xin đích danh (nếu có).

Trong đó, hồ sơ của người nước ngoài nhận nuôi phải do cơ quan có thẩm quyền của nước nơi người nhận con nuôi thường trú lập, cấp hoặc xác nhận.

Hồ sơ của người được nhận nuôi: Chuẩn bị 03 bộ

- Giấy khai sinh;

- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

- Văn bản về đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;

- Tài liệu chứng minh đã tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em nhưng không thành…

Lưu ý rằng: Những giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp, lập hoặc xác nhận thì phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi sử dụng ở Việt Nam trừ trường hợp được miễn theo Điều ước quốc tế.

Bước 2: Kiểm tra, xác minh hồ sơ và xác nhận trẻ em có đủ điều kiện

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tiến hành lấy ý kiến (lập thành văn bản, có chữ ký, điểm chỉ của người được lấy ý kiến).

Sau khi kiểm tra, xác minh, nếu thấy trẻ em đủ điều kiện để làm con nuôi nước ngoài thì Sở Tư pháp xác nhận và gửi Bộ Tư pháp.

Bước 3: Bộ Tư pháp kiểm tra, chuyển hồ sơ của người nhận con nuôi

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, xử lý hồ sơ của người nhận con nuôi:

- Hết thời hạn tìm gia đình thay thế cho trẻ em, nếu không được người trong nước nhận làm con nuôi thì chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp, nơi trẻ em thường trú để xem xét, giới thiệu trẻ em làm con nuôi.

- Người nhận con nuôi đích danh: Chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú để trình Ủy ban nhân dân xem xét, quyết định.

Bước 4: Quyết định cho trẻ em được nhận con nuôi nước ngoài

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tư pháp trình, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài.

Sau khi có quyết định sẽ thông báo cho người nhận con nuôi đến Việt Nam để làm thủ tục nhận con nuôi.

Người này phải có mặt ở Việt Nam trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được thông báo để trực tiếp nhận con nuôi.

Bước 5: Giao nhận con nuôi

Việc giao nhận con nuôi phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của các bên và của đại diện Sở Tư pháp.

Sau đó, Bộ Tư pháp gửi quyết định này đến Bộ Ngoại giao để thông báo cho Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài về việc trẻ em được nhận làm con nuôi để thực hiện biện pháp bảo hộ trong trường hợp cần thiết.

Trên đây là điều kiện và trình tự, thủ tục người nước ngoài nhận con nuôi theo quy định mới nhất hiện nay.

>> Thủ tục nhận con nuôi theo quy định mới nhất

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ em có sự thay đổi rõ ràng trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Vậy độ tuổi nào được xem là trẻ vị thành niên? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết dưới đây nhé.