Lập di chúc là một trong những cách để chuyển tài sản của mình sau khi chết cho người khác. Vậy nếu một người khi đã lập di chúc mới thì có phải huỷ di chúc cũ đã lập trước đây không?
Có phải huỷ di chúc cũ khi đã lập di chúc mới?
Việc lập di chúc hoàn toàn dựa vào ý chí của người để lại di sản thừa kế. Theo đó, căn cứ Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế cũng như phân định cụ thể các phần di sản cho từng người thừa kế...
Tuy nhiên, khi lập di chúc, người lập di chúc cũng cần phải đáp ứng các điều kiện nêu tại Điều 630 Bộ luật Dân sự để đảm bảo di chúc có hợp pháp, có hiệu lực gồm người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập.
Đồng thời, người này cũng không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép. Nội dung và hình thức không trái luật, riêng nội dung di chúc còn không được trái đạo đức xã hội...
Theo Điều 640 Bộ luật Dân sự, sau khi lập di chúc, người để lại di sản hoàn toàn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ di chúc đã lập trước đó. Đặc biệt, khoản 3 Điều 640 Bộ luật Dân sự khẳng định:
3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ.
Có thể thấy, chỉ có quy định về việc lập di chúc mới thì di chúc cũ bị huỷ bỏ mà không có quy định yêu cầu người lập di chúc phải thực hiện thủ tục huỷ bỏ di chúc đã lập.
Bên cạnh đó, khi một người có nhiều di chúc thì khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự nêu rõ:
5. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Nói tóm lại, căn cứ các quy định trên, có thể khẳng định, khi lập di chúc mới thì chỉ có di chúc mới có hiệu lực, các di chúc cũ được lập trước đó sẽ không còn hiệu lực. Và người lập di chúc cũng không buộc phải thực hiện thủ tục huỷ bỏ di chúc.
Thủ tục huỷ bỏ di chúc đã được công chứng
Như phân tích ở trên, việc huỷ bỏ di chúc không phải thủ tục bắt buộc. Đây cũng là tinh thần được nêu tại khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng. Việc yêu cầu huỷ bỏ di chúc sẽ được thực hiện theo nhu cầu của người lập di chúc mà không phải quy định bắt buộc người này phải thực hiện.
Tuy nhiên, nếu di chúc trước đó đang được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc bắt buộc phải thông báo cho cơ quan này biết về việc thay thế di chúc.
Về thủ tục huỷ bỏ di chúc, Luật Công chứng quy định như sau:
Cơ quan thực hiện huỷ bỏ di chúc
Người lập di chúc có thể thực hiện thủ tục công chứng việc huỷ bỏ di chúc ở bất cứ Văn phòng hoặc Phòng công chứng nào mà không bắt buộc phải là Công chứng viên của Văn phòng/Phòng công chứng đã công chứng di chúc muốn huỷ bỏ.
Hồ sơ cần thiết để huỷ bỏ di chúc
Cũng giống các giao dịch, hợp đồng khác, hồ sơ người lập di chúc cần chuẩn bị để huỷ bỏ di chúc gồm:
- Tất cả các bản di chúc đã lập được Công chứng viên trả cho người lập di chúc (bản chính).
- Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân của người lập di chúc như Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu (những giấy tờ này đều phải còn hạn sử dụng), sổ hộ khẩu, giấy tờ xác nhận quan hệ hôn nhân (đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân)...
- Giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, đăng ký xe...
- Phiếu yêu cầu công chứng.
Đồng thời với việc chuẩn bị các giấy tờ này, người lập di chúc cũng phải xuất trình bản chính của tất cả các giấy tờ nêu trên để Công chứng viên đối chiếu trước khi người này ký xác nhận trong Văn bản huỷ bỏ di chúc.
Thời gian thực hiện
Thời hạn thực hiện huỷ bỏ việc công chứng di chúc là 02 ngày làm việc. Nếu cần xác minh thêm các điều kiện thì Công chứng viên sẽ kéo dài thời gian giải quyết nhưng không quá 10 ngày làm việc.
(căn cứ khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng năm 2014).
Lệ phí, thù lao công chứng
Căn cứ Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC, phí công chứng việc huỷ bỏ di chúc là 25.000 đồng. Ngoài khoản phí công chứng, người lập di chúc còn có thể phải trả thêm thù lao công chứng theo quy định của từng Văn phòng/Phòng công chứng nhưng không được cao hơn hạn mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
Trên đây là thủ tục huỷ bỏ di chúc đã lập căn cứ theo quy định hiện hành. Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến vấn đề được đề cập đến trong bài viết, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.