Giám định chữ viết, chữ ký trong án dân sự: Thủ tục và chi phí

Chắc hẳn việc giám định chữ viết, chữ ký trong các vụ án dân sự được nhắc đến nhiều nhưng không phải ai cũng biết cụ thể nó là gì? Trường hợp nào bắt buộc phải thực hiện và thủ tục thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cụ thể vấn đề này.


Trường hợp giám định chữ viết, chữ ký trong án dân sự

Theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trưng cầu giám định là một trong các biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ. Việc giám định trong đó có giám định chữ viết, chữ ký được thực hiện trong trường hợp nêu tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự gồm:

- Theo yêu cầu của đương sự và nếu thấy chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì nếu người đưa ra chứng cứ không rút lại thì người tố cáo có quyền hoặc Toà án có quyền quyết định trưng cầu giám định.

- Nếu Toà án từ chối yêu cầu giám định của đương sự thì các đương sự có thể tự mình yêu cầu giám định. Việc tự giám định phải được thực hiện trước khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Đồng thời, Thẩm phán sẽ ra quyết định trưng cầu giám định trong trường hợp xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự.

Như vậy, việc giám định nói chung và giám định chữ ký, chữ viết nói riêng được thực hiện theo yêu cầu của đương sự hoặc theo quyết định của Toà án, có thể đương sự tự mình thực hiện hoặc yêu cầu Toà án thực hiện.

thu tuc giam dinh chu viet


Thủ tục yêu cầu giám định chữ viết, chữ ký

Để yêu cầu giám định chữ viết, chữ ký, đương sự cần phải thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:

Hồ sơ yêu cầu gồm những gì?

- Văn bản yêu cầu giám định phải gồm các nội dung sau đây: Thông tin về người yêu cầu giám định (tên tổ chức hoặc họ tên, chữ ký của người yêu cầu); nội dung giám định; thông tin về đối tượng giám định (tên và đặc điểm); ngày tháng năm yêu cầu và thời hạn trả kết luận và tên các tài liệu hoặc mẫu so sánh gửi kèm (nếu có).

- Đối tượng giám định, đồ vật liên quan (nếu có).

- Giấy tờ chứng minh người yêu cầu là đương sự trong vụ án dân sự (nguyên đơn hoặc bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

Ai thực hiện giám định chữ ký, chữ viết?

Theo khoản 5 Điều 2 Luật Giám định tư pháp, người giám định tư pháp gồm:

- Cá nhân: Giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc.

- Tổ chức:

+ Tổ chức giám định tư pháp công lập: Viện pháp y quốc gia, trung tâm pháp y cấp tỉnh, Viện pháp y quân đội, Trung tâm giám định pháp y, Viện pháp y tâm thần Trung ương, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực, Viện khoa học hình sự, Phòng kỹ thuật hình sự, Phòng giám định kỹ thuật hình sự.

+ Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập.

+ Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

Thời gian giải quyết là bao lâu?

Theo khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Giám định tư pháp, trong các vụ việc dân sự thì thời hạn giám định tư pháp tối đa là 03 tháng. Nếu có tính chất phức tạp thì thời hạn tối đa là 04 tháng.

Chi phí giám định là bao nhiêu?

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể chi phí giám định tư pháp là bao nhiêu mà theo khoản 20 Điều 1 Luật Giám định tư pháp sửa đổi năm 2020, người yêu cầu hoặc trưng cầu giám định phải trả phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Trên đây là quy định về thủ tục giám định chữ viết, chữ ký trong dân sự. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thủ tục giám định sức khỏe để nhận trợ cấp tuất hàng tháng

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hợp đồng mua bán đã công chứng bị sai tên có vô hiệu không?

Hợp đồng mua bán đã công chứng bị sai tên có vô hiệu không?

Hợp đồng mua bán đã công chứng bị sai tên có vô hiệu không?

Khi công chứng hợp đồng nói chung, hợp đồng mua bán nói riêng, Công chứng viên phải kiểm tra kỹ lại nội dung hợp đồng trước khi công chứng. Tuy nhiên, không tránh khỏi sai sót trong quá trình kiểm tra. Vậy nếu bị sai tên, hợp đồng mua bán đã công chứng có bị vô hiệu không?