Bắt buộc phải từ chối di sản thừa kế trong vòng 6 tháng?

Người nhận thừa kế có quyền được từ chối hưởng di sản. Năm 2019, thời gian từ chối còn bắt buộc trong 06 tháng nữa không?

Bắt buộc phải từ chối di sản trong vòng 6 tháng?

Trước đây, Điều 642 Bộ luật Dân sự 2005 quy định, thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế là 06 tháng, kể từ ngày mở thừa kế. Nếu quá thời hạn trên thì được coi là đồng ý nhận di sản. Trong đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.

Như vậy, theo quy định cũ, bắt buộc phải từ chối trong vòng 6 tháng kể từ ngày người để lại di sản thừa kế chết. Nếu sau thời gian đó thì việc từ chối này sẽ không được pháp luật công nhận.

Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định “mở” hơn trong vấn đề này để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nhận thừa kế và các cá nhân, tổ chức liên quan. Theo đó, khoản 3, Điều 620 quy định: “Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”.

Như vậy, việc từ chối không bắt buộc phải thực hiện trong thời hạn 06 tháng như trước đây nữa mà chỉ cần trước thời điểm phân chia di sản thừa kế là được.

Thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế không còn là 6 tháng? (Ảnh minh họa)

Thủ tục từ chối thừa kế tại tổ chức hành nghề Công chứng

Mặc dù không giới hạn thời gian như trước đây nhưng việc từ chối phải được lập thành văn bản và có thể được công chứng, chứng thực. Trong đó, thủ tục được thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ:

- Phiếu yêu cầu công chứng

- Dự thảo Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (nếu có)

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản

- Di chúc (nếu có)

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người từ chối di sản

- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết

- Giấy tờ nhân thân của người từ chối nhận di sản

(Điều 59 Luật Công chứng 2014)

Bước 2: Liên hệ và nộp các giấy tờ đã chuẩn bị cho Phòng/Văn phòng công chứng

Bước 3: Công chứng viên kiểm tra tính pháp lý của các giấy tờ và điều kiện từ chối di sản của người yêu cầu:

- Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp pháp thì tiếp nhận và xử lý

- Nếu hồ sơ thiếu, sai sót, Công chứng viên sẽ yêu cầu và hướng dẫn bổ sung, sửa chữa

- Nếu thấy không đủ cơ sở để giải quyết, Công chứng viên từ chối tiếp nhận và xử lý

Bước 4: Nếu đã có dự thảo văn bản thì Công chứng viên kiểm tra dự thảo, đề nghị sửa chữa nếu phát hiện có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Nếu chưa có dự thảo văn bản thì Công chứng viên tự soạn thảo theo yêu cầu của người từ chối thừa kế. Sau đó, người yêu cầu sẽ tự đọc lại hoặc được Công chứng viên đọc cho nghe nội dung.

Sau khi đồng ý mọi nội dung trong dự thảo thì người từ chối di sản được Công chứng viên hướng dẫn ký, điểm chỉ vào Văn bản. Sau đó, Công chứng viên ghi lời chứng và ký vào các trang của văn bản, đóng dấu, thu phí công chứng và trả kết quả cho người yêu cầu.

Trên đây là quy định về thời hạn từ chối nhận di sản thừa kế theo quy định mới nhất. Để tìm hiểu thêm các thông tin về thừa kế, đón đọc tại đây.

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.