1. Thỏa thuận mang thai hộ có cần công chứng?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân gia đình 2014 số 52/2014/QH13, việc thỏa thuận mang thai hộ bắt buộc phải được lập thành văn bản và công chứng.
Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chỉ cho phép việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Còn hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị pháp luật cấm thực hiện.
Tức là, pháp luật chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại mang thai giúp một cặp vợ chồng hiếm muộn và người vợ không có khả năng mang thai.
Theo đó, bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, cơ sở y tế có thẩm quyền sẽ lấy noãn từ người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh vào ống nghiệm. Sau khi thụ tinh trong ống nghiệm thành công sẽ cấy vào tử cung của người phụ nữ mang thai tự nguyện để họ mang thai và sinh con.
Tuy nhiên, hiện nay mang thai hộ vẫn có một số bất cập riêng. Đặc biệt vẫn có trường hợp người nhờ mang thai hộ không nhận con sau khi con được sinh ra.
Do đó, việc thỏa thuận mang thai hộ là bắt buộc phải được lập thành văn bản và công chứng để bảo vệ quyền lợi của hai bên, đặc biệt là bên mang thai hộ.
Xem thêm: Mẫu Thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
2. Quyền lợi của người mang thai hộ
Theo quy định tại Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quyền lợi của người mang thai hộ trong thời kỳ mang thai và sinh sản bao gồm:
- Được bên nhờ mang thai hộ chăm sóc và chi trả toàn bộ chi phí thực tế trong việc chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ mang thai và sinh sản.
- Được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm con được sinh ra cho đến lúc con đủ 06 tháng tuổi.
- Trường hợp gây thiệt hại/ảnh hưởng nguy hiểm tới tính mạng sẽ được bên nhờ mang thai hộ bồi thường.
- Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì trẻ sẽ được hưởng thừa kế theo pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.
Bên cạnh đó, bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Nếu bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên mang thai hộ có quyền yêu cầu lên Tòa án buộc bên nhờ mang thai hộ phải nhận con theo quy định tại khoản 5 Điều 97 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Nếu chậm hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng và chăm sóc con cái sau khi sinh con thì bên nhờ mang thai hộ sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại khoản 3 Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
3. 3 lưu ý cần biết trước khi nhờ mang thai hộ
(1) Cơ sở y tế nào đủ điều kiện để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 98/2016/NĐ-CP, để được thực hiện các kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, các cơ sở y tế cần phải đáp ứng những điều kiện sau đây:
- Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trong việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (kể từ ngày được Bộ Y tế cấp phép).
- Có tối thiểu 100 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm mỗi năm trong hai năm kèm tài liệu chứng minh.
- Có Công văn công nhận cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Hiện nay, có một số bệnh viện nổi tiếng trong cả nước về kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và được pháp luật công nhận tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 98/2016/NĐ-CP. Bao gồm:
- Bệnh viện Phụ sản Trung ương (43 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
- Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế, hay Bệnh viện Trung ương Huế (16 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế)
- Bệnh viện Từ Dũ (284 Cống Quỳnh, Quận 1, TP.HCM)
(2) Điều kiện khi thực hiện việc mang thai hộ
* Đối với bên nhờ mang thai:
Căn cứ vào khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bên nhờ mang thai hộ phải đáp ứng điều kiện sau:
- Có chứng nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Hai vợ chồng đang không có con chung.
- Đã được tư vấn đầy đủ về pháp lý, tâm lý và y tế.
* Đối với bên mang thai hộ:
Bên mang thai hộ phải đạt được các điều kiện mang thai hộ phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể bao gồm:
- Có quan hệ thân thích cùng hàng với bên vợ/chồng nhờ mang thai hộ.
- Đã từng sinh con.
- Chỉ được phép mang thai hộ 01 lần.
- Độ tuổi phù hợp và có xác nhận về khả năng mang thai hộ của cơ sở y tế có thẩm quyền.
- Nếu người mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng.
- Đã được tư vấn đầy đủ về pháp lý, tâm lý và y tế bao gồm các nguy cơ về tai biến có thể xảy ra như sảy thai, mang thai ngoài tử cung, phải mổ lấy thai, đa thai, khả năng em bé bị dị tật và phải bỏ thai…
(3) Điều kiện được hưởng chế độ thai sản khi thực hiện mang thai hộ
Theo quy định tại điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 số 58/2014/QH13, lao động nữ khi mang thai hộ phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì mới được hưởng chế độ thai sản.
Người mang thai hộ khi hưởng chế độ thai sản sẽ được nghỉ việc để đi khám khai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Trường hợp khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế xa nhà hoặc người mang thai có bệnh lý, thai không bình thường thì sẽ được nghỉ 02 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
Trên đây là giải đáp cho thắc mắc Thỏa thuận mang thai hộ có cần công chứng?