Thế chấp bằng quyền đòi nợ có được không?

Chắc hẳn mọi người đã nghe nói nhiều đến thế chấp tài sản gồm động sản và bất động sản nhưng chưa hẳn đã biết về việc thế chấp bằng quyền đòi nợ. Vậy quyền đòi nợ là gì? Quy định về thế chấp quyền đòi nợ như thế nào?

1. Quyền đòi nợ là gì?

Quyền đòi nợ hiện không được định nghĩa tại Bộ luật Dân sự năm 2015 mà thay vào đó, được đề cập đến tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP. Cụ thể, quyền đòi nợ được đề cập đến tại Điều 14 Nghị định 21/2021/NĐ-CP về quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng.

Có thể hiểu một cách đơn giản, quyền đòi nợ là quyền tài sản dùng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Khoản 2 Điều 450 Bộ luật Dân sự cũng đề cập đến quyền đòi nợ trong mua bán quyền tài sản như sau:

2. Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.

Như vậy, quyền đòi nợ hay chính là quyền tài sản là một trong các tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự bên cạnh tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá.

Trong đó, quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền gồm quyền tài sản với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.

Quyền đòi nợ được quy định trong Bộ luật Dân sự như thế nào? (Ảnh minh họa)

2. Thế chấp bằng quyền đòi nợ có được không?

Bởi quyền đòi nợ là một trong các quyền tài sản khác cũng như được coi là tài sản theo Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015. Do đó, căn cứ định nghĩa thế chấp tài sản nêu tại Điều 317 Bộ luật Dân sự thì hoàn toàn được quyền thế chấp bằng quyền đòi nợ.

Theo đó, thế chấp bằng quyền đòi nợ là việc bên thế chấp dùng quyền đòi nợ thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không trao quyền đòi nợ đó cho bên nhận thế chấp.

Đồng thời, Điều 14 Nghị định 21/2021/NĐ-CP cũng khẳng định, bên có quyền trong hợp đồng được dùng quyền đòi nợ hoặc các khoản phải thu, quyền yêu cầu thanh toán khác… để bảo đảm thực hện nghĩa vụ trong đó có thế chấp.

Ngoài ra, về vấn đề này, Điều 33 Nghị định 21 còn hướng dẫn như sau: Khi thế chấp bằng quyền đòi nợ không cần có sự đồng ý của người có nghĩa vụ nhưng bên nhận thế chấp phải thông báo để biết trước khi thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

Pháp luật quy định về thế chấp bằng quyền đòi nợ thế nào? (Ảnh minh họa)

3. Thế chấp bằng quyền đòi nợ xử lý tài sản như thế nào?

Việc xử lý tài sản thế chấp là quyền đòi nợ được Chính phủ hướng dẫn tại Điều 54 Nghị định 21/2021/NĐ-CP và tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN. Cụ thể như sau:

Bước 1: Bên nhận thế chấp gửi văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ cho bên có nghĩa vụ ít nhất trước 07 ngày làm việc và một trong các giấy tờ sau:

  • Bản sao của hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ có chứng nhận của tổ chức hành nghề công chứng
  • Bản chính hợp đồng thế chấp (trong trường hợp không công chứng)
  • Bản chính giấy chứng nhận đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền đòi nợ được cấp bởi cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.

Bước 2: Bên có nghĩa vụ trả nợ thanh toán khoản nợ cho bên nhận thế chấp trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo xử lý quyền đòi nợ:

- Thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quyền đòi nợ xảy ra trước khi xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp: Bên trả nợ phải chuyển khoản tiền nợ vào tài khoản do bên có nghĩa vụ trả nợ mở tại ngân hàng theo chỉ định của bên nhận thế chấp.

Đồng thời, bên nhận thế chấp được quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản này và chỉ được yêu cầu giải tỏa để xử lý khi đến thời điểm xử lý tài sản thế chấp. Song song với đó, bên có nghĩa vụ trả nợ cũng không được yêu cầu giải tỏa và giao dịch với số tiền này kể từ thời điểm nộp tiền vào tài khoản.

- Nếu thời điểm thực hiện nghĩa vụ trả nợ xảy ra sau khi xử lý quyền đòi nợ theo hợp đồng thế chấp thì bên nhận thế chấp được yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán khoản nợ đó cho mình tại thời điểm nghĩa vụ trả nợ đến hạn và không được yêu cầu bên thế chấp thanh toán khi chưa đến hạn trừ có thỏa thuận khác.

Lưu ý: Khi nhận tiền thì các bên phải lập biên bản có chữ ký của các bên và ghi rõ việc bàn giao, tiếp nhận các khoản tiền, tài sản và xác định giá trị tài sản.

Nếu bên thế chấp không ký vào biên bản thì chỉ cần chữ ký của bên nhận và bên có nghĩa vụ trả nợ và bên thế chấp gửi biên bản nhận các khoản tiền, tài sản cho bên thế chấp.

Trên đây là thông tin liên quan đến thế chấp bằng quyền đòi nợ được quy định tại các văn bản pháp luật. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, độc giả hãy gọi đến tổng đài 19006192 .

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.