Thủ tục thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi thế nào?

Thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi như thế nào sẽ được LuatVietnam giải thích chi tiết tại bài viết dưới đây. Cùng theo dõi nhé.

1. Người trên 18 tuổi có được thay đổi họ tên không?

Hiện nay, trường hợp thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi được quy định tại Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền thay đổi họ của cá nhân và Điều 28 Bộ luật Dân sự về quyền thay đổi tên của cá nhân chỉ đề cập đến vấn đề tuổi như sau: Nếu thay đổi họ hoặc tên cho người từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải được người đó đồng ý.

Đồng nghĩa, Luật không giới hạn độ tuổi khi thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi. Nếu cá nhân trên 18 tuổi thuộc một trong các trường hợp được đổi họ, tên sau đây và cung cấp đủ giấy tờ, hồ sơ hợp lệ để đổi họ, tên thì hoàn toàn có thể được thay đổi họ, tên:

Trường hợp cá nhân được đổi họ

Trường hợp cá nhân được đổi tên

Căn cứ: Điều 27 Bộ luật Dân sự

Căn cứ: Điều 28 Bộ luật Dân sự

- Đổi từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ.

- Đổi từ họ của cha/mẹ đẻ sang cha/mẹ nuôi khi cha mẹ nuôi có yêu cầu.

- Người con nuôi hoặc cha mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ theo họ của cha/mẹ đẻ khi người này thôi làm con nuôi.

- Đổi họ theo yêu cầu của cha mẹ đẻ hoặc con khi đã xác định cha mẹ cho con.

- Khi người lưu lạc tìm ra được nguồn gốc huyết thống của mình.

- Đổi họ khi có yếu tố nước ngoài:

  • Đổi họ theo họ chồng hoặc theo họ vợ để phù hợp với pháp luật nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân.
  • Lấy lại họ trước khi kết hôn với người nước ngoài.

- Khi cha mẹ thay đổi họ.

- Trường hợp khác.

- Người có tên yêu cầu khi tên cũ gây hiểu nhầm, nhầm lẫn ảnh hưởng tình cảm gia đình, danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó.

- Khi cha mẹ nuôi yêu cầu đổi tên cho con nuôi hoặc con nuôi/cha mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên cũ khi người con nuôi đã thôi làm con nuôi.

- Khi xác định được cha mẹ con: Người con hoặc cha mẹ đẻ yêu cầu.

- Khi người lưu lạc tìm ra được nguồn gốc huyết thống của mình.

- Đổi tên khi có yếu tố nước ngoài:

  • Đổi tên để phù hợp với pháp luật nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân.
  • Lấy lại tên trước khi kết hôn với người nước ngoài.

- Khi xác định lại giới tính hoặc chuyển giới.

- Trường hợp khác.

Lưu ý:

-Khi đổi họ, tên của người từ đủ 09 tuổi phải được người đó đồng ý.

- Việc đổi họ, tên không làm chấm dứt hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của người đó theo tên, họ cũ.

Như vậy, nếu đã trên 18 tuổi, thuộc một trong các trường hợp được đổi họ, tên nêu trên thì người trên 18 tuổi có thể tự mình thực hiện việc thay đổi họ, tên mà không cần có sự đồng ý của bất cứ ai.

Người trên 18 tuổi được tự quyết định thay đổi họ, tên (Ảnh minh họa)

2. Thủ tục thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi

Do hoàn toàn được phép thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi nên khi thực hiện thay đổi, người này cần phải tuân theo thủ tục sau đây:

2.1 Hồ sơ

Căn cứ Điều 28 và Điều 47 Luật Hộ tịch năm 2014, hồ sơ người yêu cầu thay đổi họ, tên cần chuẩn bị để nộp và xuất trình gồm:

- Hồ sơ nộp:

  • Tờ khai thay đổi họ tên.
  • Giấy tờ liên quan đến việc thay đổi họ tên: Tùy từng trường hợp khác nhau mà người yêu cầu phải nộp các loại giấy tờ khác nhau: Ví dụ như quyết định nhận con nuôi, quyết định xác định cha mẹ con, quyết định thôi nhận con nuôi…
  • Giấy khai sinh bản gốc. Phải nộp giấy này để cán bộ tư pháp hộ tịch ghi chú thông tin về họ, tên mới của người yêu cầu vào mặt sau của giấy khai sinh.

- Giấy tờ cần xuất trình: Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân của người yêu cầu, giấy ủy quyền (nếu có).

2.2 Cơ quan giải quyết

Do người thay đổi họ, tên là người trên 18 tuổi nên cơ quan thực hiện thủ tục này là Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người có yêu cầu đã khai sinh trước đây hoặc nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú của người này theo khoản 2 Điều 46 Luật Hộ tịch.

2.3 Thời gian thực hiện

Để giải quyết việc thay đổi họ, tên của cá nhân, thời gian thực hiện thường là từ 03 ngày làm việc đến 06 ngày làm việc (nếu sự việc có nội dung cần phải xác minh).

Theo đó, các bước thực hiện việc thay đổi họ, tên được nêu tại Điều 28 và Điều 47 Luật Hộ tịch như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Bước 2: Giải quyết hồ sơ. Trong đó, việc giải quyết hồ sơ do công chức tư pháp hộ tịch cấp huyện thực hiện. Nếu thấy hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp hộ tịch sẽ thực hiện các bước sau đây:

- Ghi và ký vào sổ hộ tịch.

- Yêu cầu người đăng ký thay đổi họ, tên ký vào sổ hộ tịch.

- Báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu đổi họ, tên.

- Ghi tên mới, họ mới vào giấy khai sinh.

Riêng trường hợp không thực hiện đổi họ, tên tại nơi đã đăng ký khai sinh trước đây thì nơi tiếp nhận hồ sơ phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục khai sinh đến Ủy ban nhân dân đã đăng ký khai sinh trước đây để ghi vào sổ hộ tịch thông tin đã thay đổi về họ, tên.

Chi phí thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi tùy vào quy định của từng địa phương (Ảnh minh họa)

2.4 Lệ phí phải nộp

Lệ phí thay đổi họ, tên là một trong những khoản lệ phí được nêu tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 85 năm 2019 của Bộ Tài chính và thuộc thẩm quyền quy định chi tiết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Do đó, với từng tỉnh, thành khác nhau, mức lệ phí phải nộp khi thay đổi họ, tên cũng được quy định khác nhau. Ví dụ, tại TP. Hà Nội, nếu thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi thì lệ phí là 25.000 đồng/việc…

Trên đây là giải đáp chi tiết về việc thay đổi họ tên cho người trên 18 tuổi. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.