Tảo hôn là gì? Tảo hôn bị phạt thế nào?

Một trong những hành vi bị cấm trong hôn nhân và gia đình là tảo hôn. Vậy tảo hôn là gì? Nam, nữ tảo hôn thì bị phạt thế nào theo quy định mới nhất.


1. Tảo hôn nghĩa là gì? Có hậu quả gì?

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật này (căn cứ khoản 8 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình).

Có thể thấy, tảo hôn là việc cả hai người nam và nữ hoặc chỉ người nam hoặc chỉ người nữ chưa đủ tuổi kết hôn nhưng đã lấy vợ, lấy chồng. Trong đó, luật không có khái niệm lấy vợ, lấy chồng nhưng có thể hiểu là tổ chức đám cưới.

Bởi theo điểm b khoản 2 Điều 5 Luật này, đây là một trong các hành vi bị cấm. Do đó, thông thường, việc lấy vợ, lấy chồng của nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn sẽ không được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền về đăng ký kết hôn.

Có thể nhìn rõ hậu quả trước mắt của hành vi tảo hôn là những đứa trẻ chưa đủ tuổi nhưng kết hôn sớm, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khoẻ sinh sản của nam, nữ đặc biệt là các bé gái.

Ngoài ra, do chưa đủ tuổi, chưa trưởng thành, cơ thể chưa phát triển toàn diện nên việc mang thai, sinh con, nuôi con sớm sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của chính cha, mẹ và con.

Như vậy, có thể hiểu, tảo hôn là việc nam nữ đăng ký kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định, là một trong các trường hợp bị cấm kết hôn theo luật hiện hành.


2. Các tính tuổi để xác định tảo hôn thế nào?

Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình, độ tuổi đăng ký kết hôn được quy định gồm:

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

Và để xác định chính xác số tuổi được phép kết hôn, Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016 hướng dẫn như sau: Nam đã đủ 20 tuổi, nữ đã đủ 18 tuổi trở lên; tuổi nam, nữ xác định theo ngày, tháng, năm sinh. Nếu không xác định được ngày, tháng, năm sinh thì thực hiện như sau:

- Xác định được năm sinh, không xác định được tháng sinh: Tháng sinh là tháng 01 của năm sinh.

- Xác định được năm sinh, tháng sinh, không xác định được ngày sinh: Ngày sinh là ngày 01 của tháng sinh.

Chị B sinh ngày 10/10/2004. Đến thời điểm ngày 16/5/2022, chị B mới bước sang tuổi 18. Đến thời điểm 10/10/2022, chị B mới được xem là đủ 18 tuổi.

Như vậy, có thể thấy, việc xác định độ tuổi đăng ký kết hôn được tính theo ngày, tháng, năm để đảm bảo đủ độ tuổi theo quy định khi đăng ký kết hôn.

Xem thêm: Bao nhiêu tuổi thì được đăng ký kết hôn?


3. Tảo hôn bị phạt thế nào?

Do tảo hôn là một trong những hành vi bị cấm nên người vi phạm quy định về tảo hôn có thể bị xử lý như sau:

Phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP:

- Tổ chức lấy vợ, chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn: Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng.

- Duy trì quan hệ vợ chồng trái luật với người chưa đủ tuổi kết hôn dù đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án: 03 - 05 triệu đồng.

Chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự về Tội tổ chức tảo hôn khi tổ chức lấy vợ, chồng cho người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt hành chính còn vi phạm:

- Phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

Như vậy, hình phạt được đặt ra với người tổ chức tảo hôn cho các cặp nam, nữ chứ chính bản thân người kết hôn khi chưa đủ tuổi sẽ không bị phạt. Mức phạt hành chính cao nhất trong trường hợp này là 03 triệu đồng và 02 năm tù.

Đồng nghĩa, nam nữ khi kết hôn chưa đủ tuổi và vẫn duy trì mối quan hệ này dù đã có bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực thì bị phạt đến 05 triệu đồng. Còn các mức phạt khác kể cả phạt tù đều áp dụng với người tổ chức lấy vợ, chồng cho người chưa đủ tuổi.


4. Làm đám cưới khi chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn, có phạm luật?

Theo khái niệm tảo hôn tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình, được xem là tảo hôn khi lấy vợ, lấy chồng mà không nói cụ thể là đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền hay chỉ làm đám cưới. Do đó, chỉ khi một trong hai bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn mà đám cưới hay đăng ký kết hôn thì đều vi phạm quy định về tảo hôn.

Đồng thời, có thể chắc chắn, khi một trong hai bên vi phạm quy định về điều kiện đăng ký kết hôn tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình thì cơ quan có thẩm quyền chắc chắn sẽ không thực hiện đăng ký kết hôn.

Do đó, mặc dù chỉ làm đám cưới nhưng đây vẫn bị xem là tảo hôn và vẫn sẽ bị phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự như quy định ở trên.

Xem thêm...


5. Ai được quyền yêu cầu Toà án huỷ kết hôn trái luật do tảo hôn?

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và Gia đình, người có quyền huỷ kết hôn trái luật do nam, nữ tảo hôn gồm:

- Cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện khác của nam, nữ tảo hôn.

- Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, trẻ em: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động, Thương binh và xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin... (căn cứ Điều 3 của Nghị định số 02/2013/NĐ-CP và khoản 1 Điều 90 của Luật Trẻ em năm 2016).

- Hội Liên hiệp phụ nữ.

Sau khi được giải quyết việc huỷ kết hôn trái luật vì nam, nữ tảo hôn thì sẽ có hậu quả như sau:

- Các bên nam, nữ phải chấm dứt quan hệ vợ chồng trái luật trước đó.

- Quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ con vẫn còn tồn tại và sẽ được giải quyết như khi cha, mẹ ly hôn.

- Các quan hệ khác như tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng giữa các bên sẽ được thực hiện theo thoả thuận của các bên. Nếu không thoả thuận được thì giải quyết theo Bộ luật Dân sự và các quy định khác. Tuy nhiên, dù giải quyết theo hướng nào thì cũng phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con.


6. Trường hợp nào tảo hôn vẫn được công nhận là vợ chồng?

Khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:

Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.

Như vậy, khi nam nữ tảo hôn nhưng tại thời điểm Toà án giải quyết yêu cầu huỷ kết hôn trái luật mà cả hai đã đủ tuổi (nam đã đủ 20 tuổi, nữ đã đủ 18 tuổi trở lên và các điều kiện kết hôn khác), có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì quan hệ vợ chồng giữa hai người sẽ được Toà án công nhận.

Lưu ý: Thời điểm quan hệ hôn nhân được xác lập là khi nam, nữ đủ điều kiện kết hôn.

Ví dụ: Anh A sinh ngày 25/02/1996, chị B sinh ngày 10/10/1995. Ngày 08/02/2015, anh A và chị B đăng ký kết hôn. Ngày 25/10/2016, Toà án mở phiên họp giải quyết yêu cầu huỷ kết hôn trái luật. Tại phiên toà, hai anh chị đều yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.

Do đó, từ ngày 25/02/2016, Toà án sẽ xem xét và công nhận quan hệ hôn nhân của anh A và chị B (tại thời điểm 2 anh chị này đủ tuổi kết hôn).

Xem thêm: Trường hợp nào kết hôn trái luật vẫn được công nhận là vợ chồng?


7. Các tập quán lạc hậu nào về hôn nhân bị cấm tại Việt Nam?

Ban hành tại Phụ lục của Nghị định 126/2014/NĐ-CP là danh mục các tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xoá bỏ và bị nghiêm cấm áp dụng. Cụ thể như sau:

STT

Các tập quán

Vận động xoá bỏ

1

Kết hôn khi chưa đủ tuổi (tảo hôn).

2

Không đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện.

3

Cưỡng ép kết hôn do mê tín dị đoan, lá số, cản trở kết hôn do khác dân tộc, tôn giáo.

4

Người con rể bắt buộc phải ở rể sau khi cưới để trả công cho bố mẹ vợ nếu nhà trai không có đủ tiền cưới và đồ sính lễ.

5

Duy trì quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, quyền bình đẳng giữa vợ, chồng và giữa con trai, con gái không được đảm bảo.

6

Người ở dân tộc này không kết hôn với người ở dân tộc khác, người ở tôn giáo này không kết hôn với người có tôn giáo khác.

Bị cấm áp dụng

1

Đa thê

2

Những người cùng dòng máu trực hệ, người khác họ trong phạm vi ba đời kết hôn với nhau

3

Tục cướp vợ để ép người con gái làm vợ

4

Thách cưới cao mang tính chất gả bán như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò... để dẫn cưới

5

Nối dây: Chồng chết, người vợ phải cưới anh trai/em trai của người chồng; vợ chết thì chồng bị ép phải cưới chị gái/em gái của người vợ quá cố.

6

Người vợ goá chồng/người chồng goá vợ phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng/vợ cũ nếu kết hôn với người khác.

7

Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ chồng ly hôn.

Trên đây là giải đáp vấn đề tảo hôn là gì? Nếu còn vướng mắc khác liên quan đến hôn nhân và gia đình, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> 8 trường hợp bị cấm đăng ký kết hôn phải tránh

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.