Tài sản cầm cố là gì? Có được cầm cố tài sản hình thành trong tương lai?

Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chi tiết vấn đề: Tài sản cầm cố là gì? Tài sản hình thành trong tương lai có cầm cố được không? Quy định của pháp luật ra sao?

Tài sản cầm cố là gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 292 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 (BLDS), “cầm cố tài sản” là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Cụ thể cầm cố tài sản là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ (Điều 309 BLDS).

Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021, có thể hiểu rằng, tài sản cầm cố là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai và đều phải đáp ứng các điều kiện chung sau đây:

  • Thuộc quyền sở hữu của bên cầm cố;
  • Có thể được mô tả chung theo thỏa thuận của các bên nhưng phải xác định được;
  • Giá trị của tài sản được mang đi cầm cố có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được cầm cố;
  • Không thuộc trường hợp BLDS, luật khác liên quan có quy định về cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm.

Tài sản cầm cố là tài sản hình thành trong tương lai được không?

Theo quy định tại khoản 2, Điều 108 BLDS:

“Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:

a) Tài sản chưa hình thành;

b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch”.

Tài sản cầm cố là gì
Tài sản cầm cố là gì? (Ảnh minh họa)

Liên quan đến các loại tài sản hình thành trong tương lai, trước đây, tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 11/2012/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm và hết hiệu lực từ ngày 15/5/2021) từng quy định cụ thể về các loại tài sản hình thành trong tương lai, bao gồm:

“2. Tài sản hình thành trong tương lai gồm:

a) Tài sản được hình thành từ vốn vay;

b) Tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm;

c) Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất.”

Tuy nhiên, sau khi Nghị định 21/2021/NĐ-CP được ban hành mới thay thế cho Nghị định 11/2012/NĐ-CP đã không còn liệt kê các loại tài sản hình thành trong tương lai như quy định trên mà chỉ giữ lại quy định không áp dụng với quyền sử dụng đất (khoản 4 Điều 10 Nghị định 21/2021/NĐ-CP).

Từ các quy định nêu trên, có thể thấy, quy định pháp luật đã quy định rõ việc tài sản hình thành trong tương lai được phép sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng hình thức cầm cố tài sản.

Tuy nhiên, không phải tất cả các loại tài sản hình thành trong tương lai đều được phép sử dụng làm tài sản cầm cố, cần lưu ý loại trừ các trường hợp tài sản này bị cấm mua bán, chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng cầm cố theo quy định nêu trên.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định rõ việc cầm cố bằng tài sản hình thành trong tương lai không được phép áp dụng đối với quyền sử dụng đất.

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Tài sản cầm cố là gì? Tài sản hình thành trong tương lai có cầm cố được không?

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục