Sống thử là gì? Sống thử có vi phạm pháp luật?

Hiện nay, việc sống thử đang ngày càng phổ biến đặc biệt trong giới trẻ. Vậy sống thử là gì? Sống thử trước khi đăng ký kết hôn có phạm luật không? 

1. Sống thử là gì?

Sống thử là một cụm từ chỉ những cặp đôi có quan hệ tình cảm, về chung sống với nhau như vợ chồng.

Cùng với sự phát triển của xã hội, sống thử ngày càng trở nên phổ biến và đến nay, lối sống này vẫn còn gây tranh cãi với nhiều ý kiến khác nhau. 

Dưới góc độ pháp luật, sống thử đem lại nhiều hậu quả pháp lý, nhất là khi đường ai nấy đi, sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến con cái, tài sản...

2. Có cấm sống thử mà không đăng ký kết hôn?

Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình (Luật HN&GĐ) năm 2014 và các văn bản pháp luật không có định nghĩa và quy định về việc sống thử giữa nam và nữ.

Trong Luật HN&GĐ có đề cập đến việc chung sống như vợ chồng là nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như vợ chồng.

Đồng thời, theo Điều 14 Luật này, nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng.

Đặc biệt, Điều 5 Luật HN&GĐ quy định, cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Như vậy, nếu hai người độc thân sống thử thì không bị pháp luật cấm nhưng nếu một trong hai hoặc cả hai bên đang có vợ, có chồng thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.

Xem thêm: Trường hợp nào không đăng ký kết hôn vẫn là vợ chồng hợp pháp?


3. Chán “sống thử”, hậu quả khó lường

Mặc dù pháp luật không cấm nhưng cũng không khuyến khích hai người nam, nữ sống thử. Bởi sống thử có thể phát sinh một số hậu quả không mong muốn như:

- Quan hệ vợ chồng chỉ được pháp luật công nhận và bảo vệ nếu hai bên nam, nữ đăng ký kết hôn theo quy định tại cơ quan có thẩm quyền sau khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn. Do đó, nếu sống thử, nam, nữ không được công nhận là vợ chồng hợp pháp;

- Nam, nữ sống thử không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng nên nếu có người thứ ba xuất hiện thì người còn lại không được pháp luật bảo vệ, đồng thời người ngoại tình cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào;

- Nếu hai người có con thì khi đăng ký khai sinh mà cha, mẹ không đăng ký kết hôn, con sinh ra trong thời kỳ sống thử sẽ được khai sinh theo diện chưa xác định được cha hoặc mẹ.

Do đó, để con có đủ tên cha, mẹ trong giấy khai sinh thì phải thực hiện thủ tục khai sinh kết hợp nhận cha, mẹ, con. Có thể thấy, thủ tục này phức tạp, rắc rối, tốn kém thời gian và tiền bạc hơn so với khi cha mẹ đăng ký kết hôn.

- Khó phân chia tài sản trong thời kỳ sống thử (nếu có). Theo Điều 16 Luật HN&GĐ, khi nam, nữ sống chung thì tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng được giải quyết theo thỏa thuận của hai bên. Đồng nghĩa, nếu có tranh chấp thì việc chứng minh tài sản chung là rất khó khăn, rắc rối…

- Yêu cầu cấp dưỡng cho con khi sống thử cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi không có căn cứ để yêu cầu người còn lại phải cấp dưỡng cho con do trên giấy khai sinh chỉ có tên của một người cha hoặc mẹ…

Xem thêm…

Sống thử có phạm luật không? (Ảnh minh họa)


4. Sống thử khi đang có vợ/chồng bị phạt thế nào?

Người đang có vợ hoặc có chồng mà sống chung với người khác thì tùy vào mức độ, hành vi, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

4.1 Xử phạt hành chính

Căn cứ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền trong trường hợp sống thử khi đang có vợ hoặc đang có chồng là:

Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

- Chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng

- Chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

- Chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi.

Ngoài ra, trong một số trường hợp phải đăng ký tạm trú khi sống thử mà nam, nữ không thực hiện thì sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng nếu không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú (theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).

4.2 Chịu trách nhiệm hình sự

Người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ/chồng nhưng chung sống như chồng vợ với người mình biết rõ đang có chồng/vợ thì có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015:

Phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm:

- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Phạt tù từ 06 tháng - 03 năm

- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

- Đã có quyết định của Tòa án buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Trên đây là quy định về việc sống thử có phạm luật không. Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến hôn nhân và gia đình, độc giả có thể liên hệ 1900 6192 để được hỗ trợ.

>> Thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất: 6 điều cần biết

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.