Rút đơn khởi kiện thì vụ án sẽ thế nào?
Trong một vụ án dân sự, chỉ khi có đơn khởi kiện thì Tòa án mới tiến hành xem xét và giải quyết. Nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền thì Thẩm phán sẽ thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí nếu thuộc trường hợp phải nộp tiền tạm ứng án phí.
Đồng thời, khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu rõ:
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.
Theo đó, khi nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện thì vụ án dân sự được giải quyết như sau:
Sau khi thụ lý vụ án
Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp:
Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
Như vậy, trong giai đoạn sau khi được Tòa án thụ lý vụ án, nếu người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Ngoài ra, nếu trong vụ án đó, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì:
- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập: Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;
- Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố: Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;
- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cần độc lập: Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.
Bắt đầu phiên tòa
Khi bắt đầu phiên tòa, chủ tọa sẽ tiến hành thủ tục hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu. Trong đó, có hỏi nguyên đơn về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện hay không (căn cứ khoản 1 Điều 243 Bộ luật Tố tụng dân sự).
Nếu xét thấy việc rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của các đương sự là tự nguyện thì Hội đồng xét xử sẽ chấp thuận và đình chỉ xét xử với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đã rút.
Như vậy, nếu sau khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì theo quy định tại khoản g Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện.
Phải rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện mới được trả lại tiền tạm ứng án phí? (Ảnh minh họa)
Rút đơn khởi kiện có được trả tiền tạm ứng án phí không?
Sau khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, người nộp đơn sẽ nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
Khi đó, theo khoản 2 Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán sẽ dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí.
Như phân tích ở trên, khi rút đơn khởi kiện thì vụ án có thể bị đình chỉ giải quyết. Khi đình chỉ vụ án, khoản 3 Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự nêu rõ, nếu Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.
Đồng thời, khoản 3 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì số tiền tạm ứng án phí đã nộp được trả lại cho người đã nộp.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, số tiền tạm ứng án phí đã nộp sẽ chỉ được trả lại cho nguyên đơn nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của mình.
Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được giải đáp, hỗ trợ.