Mua trả góp là một trong những hình thức được nhiều người yêu thích khi chưa đủ tài chính nhưng vẫn muốn sở hữu hàng hoá. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, không phải ai cũng có thể thanh toán trả góp một cách đúng hạn. Vậy nếu thanh toán trả góp quá hạn thì người mua sẽ bị xử lý thế nào?
1. Phải nộp lãi chậm trả
Khoản 3 Điều 3 Thông tư 43/2016/TT-NHNN nêu rõ:
3. Cho vay trả góp là hình thức cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đối với khách hàng, theo đó công ty tài chính và khách hàng thỏa thuận trả nợ gốc và lãi tiền vay theo nhiều kỳ hạn.
Như vậy, vay trả góp là hình thức vay vốn mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình... giữa người vay với công ty tài chính. Và trong hợp đồng vay trả góp giữa công ty tài chính và người vay phải có nội dung về việc xử lý nợ vay, phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại...
Căn cứ khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn mà khách hàng không trả đủ tiền nợ hoặc tiền lãi trả góp hàng tháng thì khách hàng phải trả lãi:
- Lãi trên nợ gốc tương ứng với thời hạn vay đến hạn chưa trả.
- Lãi chậm trả theo mức lãi suất đã thoả thuận nhưng không quá 10%/năm trên số dư lãi chậm trả tương ứng thời gian chậm trả.
- Nếu tiền vay trả góp bị chuyển thành nợ quá hạn thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng thời gian chậm trả với mức lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Như vậy, nếu đến hạn trả góp mà người vay không thực hiện việc trả nợ thì sẽ phải trả lãi chậm trả theo thoả thuận ghi trong hợp đồng vay trả góp giữa người vay và công ty tài chính.
2. Bị phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại
Nếu trong hợp đồng vay trả góp có điều khoản về việc phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thì người vay nếu quá hạn thanh toán trả góp mà không trả sẽ bị phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại theo thoả thuận của các bên (Căn cứ Điều 25 Thông tư 29/2016/TT-NHNN).
Tuy nhiên, hai bên cũng có thể thoả thuận người vay chỉ bị phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc có thể không bị phạt cũng không phải bồi thường thiệt hại.
3. Bị cho vào nhóm nợ xấu và tương lai sẽ khó vay vốn
Theo khoản 8 Điều 3 Thông tư 02/2013/TT-NHNN, nợ xấu là nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5 tương ứng với thời gian nợ quá hạn từ 91 - 180 ngày; từ 181 - 360 ngày và trên 360 ngày...
Khi khách hàng bị quá hạn trả nợ, công ty tài chính sẽ phân loại nợ xấu và gửi kết quả phân loại nhóm nợ của khách hàng cho Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC. Khi khách hàng có lịch sử nợ xấu thì nếu sau này muốn vay tiền ở ngân hàng hoặc ở công ty tài chính khác sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.
4. Bị công ty tài chính giục nợ
Bên cạnh việc phải trả lãi, bị phạt hoặc bồi thường thiệt hại, nhiều trường hợp người vay quá hạn thanh toán trả góp sẽ bị công ty tài chính làm phiền giục nợ. Theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư 18/2019/TT-NHNN, công ty tài chính không được đe doạ khách hàng và chỉ được nhắc nợ tối đa 05 lần/ngày trong khoảng thời gian từ 07 - 21 giờ.
Đặc biệt, công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin thu hồi nợ cho cá nhân, tổ chức không có nghĩa vụ trả nợ.
Xem thêm: Bị công ty tài chính khủng bố điện thoại, phải làm gì?
5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật
Theo điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144 năm 2021, nếu người vay đến hạn trả góp cho công ty tài chính, có đủ điều kiện nhưng cố tình không trả thì sẽ bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng. Đặc biệt, nếu nặng hơn, người vay trả góp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, nếu một người vay trả góp nhưng dùng thủ đoạn gian dối/bỏ trốn để chiếm đoạt số tiền từ 04 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 04 triệu đồng nhưng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản... chưa được xoá án tích mà còn vi phạm... đến thời hạn trả nợ, dù có điều kiện nhưng cố tình không trả thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
Nếu có các tình tiết tăng nặng hơn thì mức phạt tù cao nhất của người vay sẽ là phạt tù đến 20 năm.
Trên đây là quy định về việc quá hạn thanh toán trả góp sẽ bị xử lý thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.
>> Vay tiền qua app đã trả hết nhưng vẫn bị đòi tiền: Phải làm gì?