Phá hợp đồng, phạt cọc bao nhiêu cho đúng luật?

Thông thường khi lập hợp đồng đặt cọc, các bên sẽ thỏa thuận về mức phạt cọc nếu một trong hai bên phá hợp đồng. Vậy nếu phá hợp đồng, phạt cọc bao nhiêu thì đúng luật?


Hủy bỏ hợp đồng không phải bồi thường thiệt hại?

Hủy bỏ hợp đồng là việc một bên có yêu cầu chấm dứt hợp đồng. Khi hợp đồng được hủy bỏ thì kể từ thời điểm ký kết hợp đồng, các bên đã không phải thực hiện nghĩa vụ trừ những nghĩa vụ về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp (Điều 427 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Lúc này, sau khi đã trừ đi các chi phí hợp lý trong khi thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển sản phẩm, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Có thể trả bằng hiện vật. Nếu không thì có thể quy thành tiền để trả.

Không chỉ vậy, nếu một bên vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng thì phải bồi thường cho bên kia:

- Do chậm thực hiện nghĩa vụ;

- Do không có khả năng thực hiện một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đã thỏa thuận;

- Do một bên làm mất, làm hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù bằng tài sản khác hoặc không thể sửa chữa, thay thế bằng tài sản cùng loại…

Lúc này, bên vi phạm hợp đồng sẽ phải bồi thường. Đồng nghĩa với bên bị vi phạm có quyền hủy hợp đồng mà không phải bồi thường.

Do vậy, có thể thấy, việc hủy hợp đồng có thể không phải bồi thường thiệt hại nếu bên kia vi phạm hợp đồng và đây là điều kiện để hai bên hủy bỏ hợp đồng hoặc đến độ không thể đạt được mục đích ban đầu khi ký kết hợp đồng.

Xem thêm: Phân biệt hủy bỏ và đơn phương chấm dứt hợp đồng

phạt cọc thế nào đúng luật
Không thực hiện hợp đồng sẽ bị phạt cọc bao nhiêu?
(Ảnh minh họa)

Phá hợp đồng, phạt cọc bao nhiêu thì đúng luật?

Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoăc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm thực hiện hoặc ký kết hợp đồng (căn cứ Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Hiện nay, thông thường khi thực hiện hợp đồng mua bán nhà đất, hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng thuê nhà … một bên sẽ yêu cầu bên kia trả trước một khoản tiền đặt cọc để ràng buộc trách nhiệm. Lúc này, sẽ có 03 tình huống:

- Sau khi đặt cọc thì hai bên thực hiện hợp đồng: Tài sản đặt cọc sẽ được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ;

- Nếu bên đặt cọc từ chối việc thực hiện tiếp hợp đồng: Tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận cọc;

- Nếu bên nhận đặt cọc từ chối thực hiện tiếp hợp đồng: Bên nhận đặt cọc phải trả cho bên đặt cọc tài sản đã đặt cọc và một khoản tiền tương ứng với giá trị của tài sản đặt cọc này, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, nếu bên đặt cọc từ chối thực hiện tiếp hợp đồng thì chỉ mất tài sản đã đem ra đặt cọc còn nếu bên nhận đặc cọc từ chối tiếp tục thực hiện hợp đồng thì phải trả bằng 02 lần tài sản đặt cọc.

Tuy nhiên, việc xử lý tài sản đặt cọc sẽ thực hiện theo khoản 2 Điều 328 nêu trên nhưng có “trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Nếu hai bên có thỏa thuận khác thì việc xử lý phá cọc hợp đồng sẽ thực hiện theo thỏa thuận.

Nói tóm lại, khi phá hợp đồng, nếu hai bên có thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại cũng như phạt cọc thì sẽ làm theo thỏa thuận; Nếu không có thỏa thuận thì bên phá vỡ hợp đồng phải bị phạt cọc bằng 02 lần giá trị tài sản đặt cọc.

>> Hợp đồng đặt cọc có cần phải công chứng không? 

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục