Nhậu say, đánh người gây thương tích phải bồi thường thế nào?

Khi uống rượu, nhiều người không thể kiểm soát được hành vi mà đánh nhau, làm bị thương người khác thậm chí chết người. Vậy, say rượu đánh người gây thương tích sẽ bị xử lý thế nào? Phải bồi thường bao nhiêu?


1. Đánh người gây thương tích khi say rượu phải bồi thường bao nhiêu?

Khi say rượu đánh người gây thương tích sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân bởi theo khoản 1 Điều 584 và khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự, khi một người có hành vi xâm phạm sức khoẻ của người khác thì phải bồi thường toàn bộ và kịp thời những thiệt hại của nạn nhân trong thực tế.

Thiệt hại trong vụ việc đánh người gây thương tích có thể là thiệt hại về sức khoẻ và tinh thần. Thường khi uống rượu, nhất là nếu đã say, nhiều người sẽ không thể kiểm soát được hành vi của mình thậm chí không nhận thức được rõ ràng hậu quả mà có nhiều hành vi quá khích làm ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người khác.

Theo đó, thiệt hại do say rượu đánh người có thể kể đến các loại nêu tại Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

Về sức khoẻ: Mức thiệt hại sẽ được tính theo thiệt hại thực tế, gồm:

- Chi phí để cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ, chức năng đã bị giảm sút hoặc bị mất.

- Thu nhập thực tế đã bị mất/giảm sút của người bị đánh, của người chăm sóc nếu thương tích nạn nhân nặng, bắt buộc phải có người thường xuyên chăm sóc.

- Thiệt hại khác.

Về tinh thần: Ngoài khoản tiền bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, người có hành vi say rượu đánh người gây thương tích còn có thể phải chịu một khoản tiền bồi thường về tinh thần để bù đắp những tổn thất tinh thần mà người bị đánh phải gánh chịu.

Trong đó, mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận được thì sẽ là tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở. Hiện mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng nhưng từ 01/7/2023, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng.

Do đó, mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần cụ thể như sau:

- Từ nay đến hết 30/6/2023: 74,5 triệu đồng.

- Từ 01/7/2023 trở đi: 90,0 triệu đồng.

Nhậu say đánh người gây thương tích phải bồi thường thế nào
Nhậu say đánh người gây thương tích phải bồi thường thế nào? (Ảnh minh hoạ)

2. Say rượu đánh người bị phạt thế nào?

Không chỉ người say rượu đánh người phải bồi thường thiệt hại mà căn cứ vào mức độ, tính chất của hành vi, người này còn có thể bị phạt hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự:

2.1 Bị phạt hành chính

Căn cứ Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nào say rượu đánh nhau gây thương tích có thể phải chịu một trong các mức phạt tiền dưới đây:

STT

Hành vi

Mức phạt

1

Say rượu, đánh nhau với mục đích cố ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm a khoản 5)

05 - 08 triệu đồng

2

Vô ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (điểm d khoản 1)

300.000 - 500.000 đồng

3

Sử dụng rượu, bia và đánh nhau làm mất trật tự công cộng (điểm a khoản 2)

01 - 02 triệu đồng

 

2.2 Chịu trách nhiệm hình sự

Không chỉ bị phạt hành chính, nếu hành vi uống rượu say và đánh người gây thương tích thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự vì uống rượu không phải là tình tiết miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhậu say đánh người gây thương tích có thể bị đi tù bao nhiêu năm
Nhậu say đánh người gây thương tích phải đi tù bao nhiêu năm (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, nếu có dấu hiệu phạm tội, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại tới sức khoẻ của người khác với khung hình phạt cao nhất là chung thân tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trên đây là giải đáp về trường hợp: Nhậu say đánh người gây thương tích phải bồi thường thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục