1. Nhặt được sổ tiết kiệm có rút được tiền không?
Trước hết, có thể khẳng định, khi nhặt được sổ tiết kiệm không thể rút được tiền của người khác trong sổ đó.
Sổ tiết kiệm là loại giấy tờ, tài liệu dùng để xác nhận quyền sở hữu số tiền gửi tiết kiệm của người gửi tại các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác. Sổ tiết kiệm còn có tên gọi khác là thẻ tiết kiệm. Và loại giấy tờ này thường được cung cấp cho người gửi tiền khi họ gửi trực tiếp tại quầy giao dịch của ngân hàng.
(căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN).
Theo đó, để được nhận tiền gửi trong sổ tiết kiệm, Điều 18 Thông tư 48 năm 2018 có hướng dẫn cụ thể thủ tục như sau:
Bước 1: Người gửi tiết kiệm xuất trình các loại giấy tờ sau đây:
- Sổ tiết kiệm.
- Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc của tất cả người gửi tiền nếu gửi tiết kiệm chung hoặc giấy uỷ quyền/giấy tờ chứng minh tư cách đại diện cùng với giấy tờ xác minh thông tin người gửi.
Thông thường, ở mục này, các ngân hàng sẽ yêu cầu xuất trình Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn…
- Giấy rút tiền gửi tiết kiệm có chữ ký đúng với chữ ký mẫu đã đăng ký tại ngân hàng. Bởi trước khi gửi tiền, người gửi phải đăng ký chữ ký mẫu (nếu có thay đổi chữ ký hoặc chưa có chữ ký mẫu lưu tại ngân hàng). Do đó, để được rút tiền, người gửi cũng phải ký đúng chữ ký đã đăng ký tại ngân hàng trước đó.
Riêng trường hợp, người gửi không đọc được, không nhìn được thì từng ngân hàng sẽ có hướng dẫn cụ thể riêng.
Bước 2: Ngân hàng đối chiếu và kiểm tra chính xác thông tin của người gửi tiền, người đại diện hoặc người được uỷ quyền với các thông tin trên sổ tiết kiệm, chữ ký trên giấy rút tiền với chữ ký đã đăng ký với ngân hàng và thông tin đã được lưu trữ tại ngân hàng.
Bước 3: Ngân hàng trả cả gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm cho người gửi tiền.
Có thể thấy, để được rút tiền ra từ sổ tiết kiệm, không phải chỉ cần mang mỗi sổ tiết kiệm mà còn cần các loại giấy tờ khác. Đồng thời, ngân hàng cũng đối chiếu nhiều loại thông tin, giấy tờ, tài liệu để đảm bảo chi trả tiền lãi, tiền gửi đúng cho người gửi hoặc người đại diện/người uỷ quyền của người gửi.
Do đó, có thể khẳng định, câu trả lời cho thắc mắc: Nhặt được sổ tiết kiệm có rút được tiền không là KHÔNG, người nhặt được sổ tiết kiệm sẽ không thể rút được tiền trong sổ tiết kiệm.
2. Rút tiền trong sổ tiết kiệm của người khác, bị phạt thế nào?
Mặc dù theo quy định hiện nay, không thể rút được tiền trong sổ tiết kiệm của người khác. Tuy nhiên, nếu các đối tượng dùng thủ đoạn để rút tiền trong sổ tiết kiệm của người khác thì người này có thể bị xử lý như sau:
- Xử phạt hành chính: Do nhặ được sổ tiết kiệm của người khác nhưng không trả lại cho người mất mà còn dùng sổ tiết kiệm đó để đi rút tiền thì có thể coi đó là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
Do đó, căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người nhặt được sổ tiết kiệm có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng vì hành vi chiếm trái phép tài sản của người khác và sẽ bị buộc trả lại sổ tiết kiệm.
- Chịu trách nhiệm hình sự: Căn cứ Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu cố tình không trả lại sổ tiết kiệm cho người mất thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm về Tội chiếm giữ trái phép tài sản với khung hình phạt như sau:
- Sổ tiết kiệm này có giá trị từ 10 - dưới 200 triệu đồng: Bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 02 năm.
- Sổ tiết kiệm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên: Bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
3. Mất sổ tiết kiệm phải làm gì? Có làm lại được không?
Khi bị mất sổ tiết kiệm, để đảm bảo an toàn cho số tiền trong sổ, người mất cần phải thực hiện ngay những việc sau đây:
- Gọi điện tới số tổng đài của ngân hàng và yêu cầu gặp tổng đài viên để được hỗ trợ nhanh nhất.
- Đến trực tiếp quầy giao dịch của ngân hàng để thông báo mất sổ tiết kiệm và được hướng dẫn xử lý theo quy định của từng ngân hàng theo quy định tại Điều 16 Thông tư 48/2018/TT-NHNN.
Đồng thời, khi bị mất sổ tiết kiệm, người gửi có thể đến ngân hàng để làm lại sổ tiết kiệm mới hoặc rút số tiền trong sổ ra trước hạn. Tuy nhiên, khi rút ra trước hạn thì tiền lãi thông thường sẽ rất thấp vì được tính theo lãi suất không kì hạn.
Trong trường hợp muốn làm lại sổ tiết kiệm, tuỳ vào quy định của từng ngân hàng, nhân viên ngân hàng sẽ hướng dẫn người gửi thực hiện các thủ tục cấp lại sổ tiết kiệm.
Tuy nhiên, bạn đọc có thể tham khảo trình tự, thủ tục thông thường khi muốn làm lại sổ tiết kiệm nếu bị mất như sau:
Bước 1: Thông báo mất số tiết kiệm đến ngân hàng và yêu cầu được làm lại sổ tiết kiệm. Khi đi, người gửi cần chuẩn bị các loại giấy tờ như khi lập sổ tiết kiệm:
- Giấy tờ tuỳ thân: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn.
- Giấy tờ về sổ tiết kiệm: Nếu còn bản sao hoặc ảnh chụp thì người gửi cũng nên mang theo để việc đối chiếu thông tin được diễn ra nhanh hơn.
Bước 2: Điền thông tin vào tờ đơn thông báo mất sổ tiết kiệm.
Trong bước này, người gửi cần điền các thông tin một cách trung thực, chính xác và ký đúng chữ ký đã đăng ký với ngân hàng khi lập sổ tiết kiệm trước đó.
Bước 3: Nhân viên ngân hàng sẽ đối chiếu thông tin trong tờ đơn, giấy tờ tuỳ thân người gửi xuất trình và thông tin đã được lưu trữ trên hệ thống của ngân hàng để kiểm tra tính chính xác, đồng bộ.
Bước 4: Ngân hàng cấp sổ tiết kiệm mới nếu không có tranh chấp, khiếu kiện gì trong thời gian nhất định mà thông thường là 30 ngày.
Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Nhặt được sổ tiết kiệm có rút được tiền không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.