Nhập tài sản riêng vào tài sản chung có mất thuế không?

Trong nhiều giao dịch, quan hệ hôn nhân và gia đình thường được miễn thuế như nhận thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng... Vậy nếu nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng có mất thuế không?

Theo Điều 46 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung sẽ nhập hay không theo sự thoả thuận của vợ chồng. Bên cạnh việc thắc mắc, giao dịch này có phải công chứng, chứng thực không thì nhiều người đã gọi điện đến tổng đài 1900.6192 để hỏi về các loại thuế mà vợ chồng phải chịu khi quyết định nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Thông thường, khi nhận thừa kế, nhận tặng cho hoặc nhận chuyển nhượng... nếu các bên là vợ chồng thì sẽ không phải chịu thuế. Vậy khi nhập tài sản riêng vào tài sản chung, vợ chồng có phải chịu khoản thuế nào không? Để trả lời cho câu hỏi này, cần xem xét đến hai loại thuế sau đây:

Về thuế thu nhập cá nhân

Theo Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi thuộc một trong các loại thu nhập sau đây, người có thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân:

- Thu nhập từ kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm trở lên: Sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ...

- Thu nhập từ tiền lương, tiền công: Tiền lương, tiền cong, phụ cấp, trợ cấp trừ ưu đãi người có công, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp một lần khi sinh con...

- Thu nhập từ đầu tư vốn gồm: Tiền lãi cho vay, lợi tức của cổ phần...

- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn: Chuyển nhượng phần vốn, chứng khoán...

- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở; quyền thuê đất, thuê mặt nước...

- Thu nhập từ trúng thưởng: Xổ số, trúng thưởng khuyến mại, cá cược...

- Thu nhập từ bản quyền.

- Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

- Thu nhập từ thừa kế (chứng khoán, bất động sản phải đăng ký sở hữu...), quà tặng là chứng khoán...

Tuy nhiên, nếu thuộc các trường hợp dưới đây thì dù có thu nhập vẫn được miễn thuế thu nhập cá nhân:

- Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản giữa vợ với chồng, cha mẹ đẻ với con đẻ...

- Thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng, cha mẹ đẻ với con đẻ...

Do đó, quan hệ vợ chồng dù chuyển nhượng, thừa kế hay tặng cho bất động sản (nhà, đất) đều không thuộc trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Đặc biệt, việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng không phải chuyển nhượng hay tặng cho bất động sản. Do đó, căn cứ các quy định trên, đây không phải trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân (căn cứ Công văn số 2559/TCT-DNNCN).

Như vậy, việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng không phải giao dịch phải nộp thuế thu nhập cá nhân.


Về lệ phí trước bạ

Căn cứ điểm c khoản 16 Điều 5 Nghị định 10/2022/NĐ-CP, tài sản hợp nhất của vợ chồng sau khi kết hôn, tài sản phân chia của vợ chồng khi ly hôn theo bản án/quyết định có hiệu lực của Toà án là hai trong số các trường hợp được miễn lệ phí trước bạ.

Do đó, nếu nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung thì giao dịch này sẽ được miễn lệ phí trước bạ.

Trong khi đó, theo quy định trước đây, các trường hợp được miễn lệ phí trước bạ nêu tại điểm c khoản 16 Điều 9 Nghị định 140/2016/NĐ-CP (đã hết hiệu lực) chỉ quy định miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký lại tài sản đã được cấp Sổ đỏ cho các thành viên hộ gia đình mà không quy định trường hợp nhập hoặc phân chia tài sản vợ chồng.

Như vậy, từ nay, khi nhập tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng không mất thuế thu nhập cá nhân và cũng không mất lệ phí trước bạ 0,5% như trước đây.

Trên đây là giải đáp cho câu hỏi: Nhập tài sản riêng vào tài sản chung có mất thuế không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Nhà đất của vợ chồng 2022: 7 điều phải biết để không bị thiệt

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.