Người ở nước ngoài từ chối nhận di sản thừa kế thế nào?

Khi được nhận thừa kế, dù là ở trong nước hay ở nước ngoài thì người này vẫn có đầy đủ quyền với phần di sản mà mình nhận được. Tuy nhiên, liệu thủ tục từ chối nhận di sản khi ở nước ngoài có khó khăn hơn không?

Ở nước ngoài, vẫn được từ chối nhận di sản thừa kế

Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự hiện đang có hiệu lực, người thừa kế là cá nhân:

- Còn sống vào thời điểm mở thừa kế;

- Đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết và được sinh ra, còn sống sau thời điểm mở thừa kế.

Ngoài ra, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Chỉ có các trường hợp sau đây không được hưởng thừa kế:

- Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người để lại di sản;

- Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

- Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng phần hoặc toàn bộ di sản mà người này được hưởng;

- Lừa dối, cưỡng ép, ngăn cản người để lại di sản lập di chúc, giả mạo di chúc…

Lưu ý rằng, những người này không được hưởng thừa kế theo pháp luật mà chỉ được hưởng theo di chúc nếu người để lại di sản biết mà vẫn chỉ định họ hưởng di sản theo di chúc.

Đồng thời, Điều 620 Luật này cũng nêu rõ, những người thừa kế có quyền từ chối di sản nhưng tuyệt đối không lợi dụng việc từ chối để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình với người khác.

Như vậy, một người dù ở trong nước hay ở nước ngoài, nếu không thuộc một trong các trường hợp không được hưởng thừa kế ở trên thì có quyền từ chối nhận di sản.

Thủ tục từ chối nhận di sản thừa kế khi ở nước ngoài (Ảnh minh họa)

Người ở nước ngoài từ chối nhận di sản thừa kế thế nào?

Mặc dù có quyền từ chối nhận thừa kế nhưng vì khoảng cách xa xôi nên người ở nước ngoài gặp khá nhiều khó khăn khi thực hiện thủ tục này.

Thay vì đến tổ chức hành nghề công chứng ở Việt Nam để công chứng Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế, người ở nước ngoài có thể liên hệ với cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện việc từ chối.

Căn cứ Điều 78 Luật Công chứng năm 2014, cơ quan này được công chứng Di chúc, Văn bản từ chối nhận di sản, Văn bản ủy quyền và các Hợp đồng, giao dịch khác trừ các Hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.

Theo đó, thủ tục thực hiện Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế của người ở nước ngoài cũng giống như thủ tục này khi thực hiện trong nước theo quy định tại Điều 59 Luật Công chứng.

Giấy tờ cần chuẩn bị

- Phiếu yêu cầu công chứng;

- Bản sao Di chúc (nếu thừa kế theo Di chúc) hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người từ chối nhận thừa kế (nếu chia thừa kế theo pháp luật);

- Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết;

- Dự thảo Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (nếu có);

- Các giấy tờ nhân thân: CMND hoặc hộ chiếu hoặc căn cước công dân … của người từ chối nhận di sản thừa kế.

Cơ quan tiếp nhận và xử lý

Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài

Mức phí

Theo phụ lục 02 biểu mức thu phí trong lĩnh vực ngoại giao ban hành kèm Thông tư số 264/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016, mức thu phí trong trường hợp công chứng Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế là: 20 USD/bản.

Sau đó, người ở nước ngoài gửi văn bản này về Việt Nam để những người thừa kế ở Việt Nam tiếp tục thực hiện việc phân chia di sản thừa kế.

>> Thủ tục từ chối di sản thừa kế mới nhất 2020

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.