Không biết chữ, làm sao để "ký" hợp đồng?

Hiện nay, có rất nhiều loại hợp đồng được giao kết hằng ngày. Trong đó, hợp đồng bằng văn bản là loại được nhiều người sử dụng nhất. Vậy nếu một người không biết chữ thì làm sao giao kết được hợp đồng?


Người không biết chữ có được giao kết hợp đồng không?

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng được giao kết bằng nhiều hình thức, trong đó có bằng văn bản, bằng lời nói, bằng hành vi hoặc bằng phương thức điện tử.

Theo đó, việc xác định thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản (theo khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự).

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì các bên phải thực hiện quyền, nghĩa vụ với nhau theo cam kết.

Như vậy, có thể thấy, việc ký vào hợp đồng không phải là yêu cầu bắt buộc khi các bên giao kết hợp đồng cũng như để xác định thời điểm giao kết hoặc xác định hợp đồng có hiệu lực hay không. Do đó, người không biết chữ hoàn toàn có quyền giao kết hợp đồng.


Người không biết chữ ký hợp đồng như thế nào? (Ảnh minh họa)


Không biết chữ được điểm chỉ vào hợp đồng công chứng?

Khoản 2 Điều 119 Bộ luật Dân sự nêu rõ:

Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó

Như vậy, trong trường hợp hợp đồng bắt buộc phải công chứng thì các bên phải thực hiện theo quy định này. Về việc ký tên trong hợp đồng công chứng, Điều 48 Luật Công chứng quy định như sau:

- Người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên;

- Việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong trường hợp người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký.

Theo quy định này, người yêu cầu công chứng được điểm chỉ thay cho việc ký trong hợp đồng công chứng nếu người này không ký được do khuyết tật hoặc do không biết ký.

Khi điểm chỉ trong hợp đồng công chứng, người điểm chỉ phải sử dụng ngón trỏ phải. Nếu không sử dụng được ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái. Nếu hai ngón này đều không thể điểm chỉ được thì điểm chỉ bằng ngón khác và phải ghi rõ việc điểm chỉ đó bằng ngón nào, của bàn tay nào.

Đặc biệt: Trường hợp người yêu cầu công chứng không đọc được, không nghe được, không ký, điểm chỉ được hoặc trong những trường hợp khác do pháp luật quy định thì việc công chứng phải có người làm chứng. Người làm chứng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Từ đủ 18 tuổi trở lên;

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến việc công chứng;

- Do người yêu cầu công chứng mời, nếu người yêu cầu công chứng không mời được thì công chứng viên chỉ định.

Ngoài ra, trong 03 trường hợp sau đây, có thể điểm chỉ kết hợp đồng thời với việc ký:

- Công chứng di chúc;

- Theo đề nghị của người yêu cầu công chứng;

- Công chứng viên thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.

Nói tóm lại, người không biết chữ khi giao kết hợp đồng thì không nhất định phải ký tên và nếu công chứng thì có thể thay việc ký bằng điểm chỉ. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Mọi hợp đồng đều phải có quốc hiệu, tiêu ngữ?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.