Người giám hộ là pháp nhân có được không theo BLDS mới nhất?

Thường nghe nói người giám hộ là cá nhân nên có không ít người thắc mắc, liệu pháp nhận có trở thành người giám hộ được không? Nếu được thì điều kiện người giám hộ là pháp nhân được quy định thế nào?

Pháp nhân có được trở thành người giám hộ không?

Không chỉ cá nhân mà pháp nhân hoàn toàn có thể trở thành người giám hộ bởi theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 đang có hiệu lực đã nêu rõ, người giám hộ là pháp nhân là hoàn toàn tồn tại.

Cụ thể, khoản 1 và khoản 3 Điều 48 Bộ luật Dân sự nêu rõ:

Điều 48. Người giám hộ

1. Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ.

[…]

3. Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.

Ngoài ra, căn cứ định nghĩa giám hộ nêu tại Điều 46 Bộ luật Dân sự, giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ nếu thuộc trường hợp được Luật quy định, được Uỷ ban nhân dân cử hoặc Toà án chỉ định…

Căn cứ quy định này, có thể thấy, theo quy định của BLDS, pháp nhân cũng giống cá nhân, hoàn toàn có quyền trở thành người giám hộ nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện trở thành người giám hộ.

Ví dụ: Khi người bị tâm thần, đã được Toà án tuyên bố là người bị mất năng lực hành vi dân sự nhưng không có người giám hộ đương nhiên, hiện đang được chăm sóc trong bệnh viện tâm thần và Toà án đã chỉ định bệnh viện tâm thần này là người giám hộ của người bị mất năng lực hành vi dân sự trên.

Vậy bệnh viện tâm thần này là pháp nhân giám hộ cho người bị mất năng lực hành vi dân sự.

Theo Bộ luật Dân sự, người giám hộ là pháp nhân có được không?
Theo Bộ luật Dân sự, người giám hộ là pháp nhân có được không? (Ảnh minh hoạ)

Điều kiện người giám hộ là pháp nhân mới nhất

Điều kiện người giám hộ là pháp nhân được quy định cụ thể tại Điều 50 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

- Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với viẹc giám hộ. Theo đó, pháp nhận có năng lực pháp luật dân sự từ thời điểm được thành lập hoặc được cho phép thành lập đúng quy định.

Riêng trường hợp pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân đó sẽ bắt đầu từ thời điểm được ghi vào sổ đăng ký hoạt động và chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân trong việc giám hộ là khả năng của pháp nhân đó có các quyền, nghĩa vụ dân sự, không bị hạn chế, phù hợp với việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

Đồng nghĩa, ngành nghề hoặc lĩnh vực hoạt động của pháp nhân đã được phê duyệt phải phù hợp với việc giám hộ người cần được giám hộ.

Ví dụ, viện dưỡng lão thì giám hộ cho người già neo đơn khi họ không có người giám hộ; trại trẻ mồ côi giám hộ cho trẻ em mồ côi chưa thành niên khi trẻ em này không có người giám hộ hợp pháp khác…

- Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

Có thể hiểu điều kiện này như sau, nhiệm vụ, chức năng của pháp nhân phù hợp với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ là có đầy đủ cơ sở vật chất, nhân lực, vật lực để chăm sóc, nuôi dưỡng và tạo điều kiện tốt nhất cho người được giám hộ.

Đồng thời, khi không còn đủ điều kiện để giám hộ thì có thể thay đổi người giám hộ. Trong đó, với pháp nhân là người giám hộ thì khi pháp nhân chấm dứt tồn tại, việc thay đổi người giám hộ sẽ được thực hiện. Ngoài ra, việc thay đổi người giám hộ còn được thực hiện trong các trường hợp nêu tại Điều 60 Bộ luật Dân sự:

- Người giám hộ không còn đủ các điều kiện để thực hiện việc giám hộ.

- Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ.

- Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm người giám hộ.

Trong 15 ngày kể từ khi có người giám hộ mới trong trường hợp thay đổi người giám hộ, pháp nhân phải chuyển giao việc giám hộ cho người thay thế mình. Việc chuyển giao này phải lập thành văn bản, ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản, các vấn đề khác liên quan… tại thời điểm chuyển giao.

Trên đây là giải đáp chi tiết về điều kiện người giám hộ là pháp nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu còn thắc mắc, độc giả có thể liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục