Có đúng người giám hộ không được quyền mua tài sản của người được giám hộ?

Người giám hộ thực hiện việc quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của mình. Vậy người giám hộ không được quyền mua tài sản của người được giám hộ, có đúng không?

Người giám hộ không được quyền mua tài sản của người được giám hộ?

Khi một người đang trong trạng thái không có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi) thì sẽ được chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bởi cá nhân, pháp nhân khác.

Quy định của pháp luật gọi những người này là người giám hộ. Theo đó, người giám hộ sẽ được Toà án chỉ định, Uỷ ban nhân dân cấp xã cử để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích của những người được giám hộ.

Trong việc mua bán tài sản của người được giám hộ, khoản 1 Điều 59 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định như sau:

Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

Theo quy định này, Luật không cấm việc người giám hộ không được quyền mua tài sản của người được giám hộ nhưng để giao dịch này không bị tuyên là vô hiệu thì cần phải đáp ứng hai điều kiện sau đây:

- Thực hiện mua tài sản của người được giám hộ nhằm lợi ích của người được giám hộ.

- Được người giám sát việc giám hộ đồng ý.

Như vậy, có thể thấy, nhận định, người giám hộ không được quyền mua tài sản của người được giám hộ là không thật sự chính xác. Vẫn có trường hợp ngoại lệ nếu người giám hộ thực hiện việc việc mua tài sản vì lợi ích của người được giám hộ và được người giám sát giám hộ đồng ý cho việc mua tài sản này.

Người giám hộ không được quyền mua tài sản của người được giám hộ
Người giám hộ không được quyền mua tài sản của người được giám hộ có đúng không? (Ảnh minh hoạ)

Giám sát việc giám hộ được quy định thế nào?

Theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc giám hộ sẽ được thực hiện giám sát.

Theo đó, việc giám sát giám hộ sẽ do người thân thích của người được giám hộ thoả thuận hoặc chọn hoặc sẽ do Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ cử nếu không có người thân thích hoặc người thân thích không chọn, cử được người giám sát việc giám hộ.

Lưu ý: Khi giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì phải đăng ký tại Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc Toà án quyết định.

Điều kiện để trở thành người giám sát việc giám hộ là:

- Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ (cá nhân) hoặc có năng lực pháp luật dân sự (nếu là pháp nhân).

- Có đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện giám sát việc giám hộ.

- Thực hiện quyền, nghĩa vụ sau đây:

  • Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện giám hộ (chăm sóc, quản lý tài sản… cho người được giám hộ) của người giám hộ.
  • Xem xét, có ý kiến kịp thời về việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự như bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, giao dịch dân sự khác với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ hoặc thực hiện giao dịch về tài sản giữa người được giám hộ và người giám hộ.
  • Yêu cầu xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ, giám sát việc giám hộ.
  • Chứng kiến việc thay đổi người giám hộ và chuyển giao tài sản, vấn đề khác.. trongbiene bản thay đổi người giám hộ cũng như quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện việc giám hộ…

Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề: Người giám hộ không được quyền mua tài sản của người được giám hộ. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết từ chuyên gia pháp lý của LuatVietnam.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục