Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự xác định thế nào?

Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự là những ai? Được xác định như thế nào? Đây là những nội dung sẽ được đề cập đến tại bài viết dưới đây của LuatVietnam.

Người mất năng lực hành vi dân sự là gì?

Quy định về người mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện đang có hiệu lực. Theo đó, người mất năng lực hành vi dân sự phải được Toà án ra quyết định tuyên bố người này là người bị mất năng lực hành vi dân sự sau khi xem xét kết luận giám định pháp y tâm thần.

Đồng thời, khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự cũng nêu điều kiện để được coi là người bị mất năng lực hành vi dân sự gồm:

- Bị tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình.

- Do người có quyền, lợi ích liên quan, tổ chức hoặc cơ quan hữu quan yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự.

Do đó, để xác định một người bị mất năng lực hành vi dân sự, bắt buộc người đó phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên. Bởi nếu khi không còn căn cứ (kết quả giám định pháp y tâm thần… đã nêu rõ người này không còn ở trong trạng thái không thể nhận thức, làm chủ hành vi) thì sẽ được:

- Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người bị mất năng lực hành vi dân sự.

- Có yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan.

Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự là ai? (Ảnh minh hoạ)

Xác định người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự thế nào?

Người mất năng lực hành vi dân sự sẽ được chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp bởi người giám hộ. Trong đó, Điều 53 quy định người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự gồm:

- Người giám hộ được lựa chọn bởi người được giám hộ khi người này trong tình trạng năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Khi đó, người này lựa chọn người giám hộ nếu mình lâm vào trình trạng cần được giám hộ và người được lựa chọn cũng đồng ý trở thành người giám hộ trong trường hợp đó.

Lưu ý: Trường hợp này phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

- Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự:

  • Vợ mất năng lực hành vi dân sự: Chồng là người giám hộ đương nhiên và ngược lại.
  • Cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một trong hai người (cha hoặc mẹ) mất năng lực hành vi dân sự, người còn lại không đủ điều kiện làm người giám hộ: Con cả là người giám hộ của cha/mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự. Nếu con cả không đủ điều kiện thì những người con tiếp theo.
  • Người thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà chưa có vợ, chồng, con hoặc nếu có mà những người này không đủ điều kiện làm người giám hộ: Cha mẹ là người giám hộ.

- Nếu không có người giám hộ đương nhiên: Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú) của người được giám hộ sẽ có trách nhiệm cử người giám hộ.

Riêng trường hợp có tranh chấp giữa những người giám hộ với nhau hoặc tranh chấp về việc cử người giám hộ thì người giám hộ sẽ được Toà án cử.

Khi đó, người được cử làm người giám hộ phải có sự đồng ý và lập bằng văn bản, ghi rõ lý do cử và quyền, nghĩa vụ của người giám hộ cùng tinh trạng tài sản của người được giám hộ.

Đặc biệt, người giám hộ phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Riêng người giám hộ đương nhiên nêu trên, nếu không đăng ký thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.

Để trở thành người giám hộ, cá nhân cần phải đáp ứng điều kiện nêu tại Điều 49 Bộ luật Dân sự năm 2015:

- Cá nhân có độ tuổi từ 18 trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

- Cá nhân có tư cách đạo đức tốt cùng các điều kiện cần thiết khác để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.

- Không phải người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác.

- Không phải đối tượng bị Toà án tuyên bố hạn chế quyền với con chưa thành niên.

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.