Người giám hộ có quyền bán tài sản trong trường hợp nào?

Người giám hộ có quyền bán tài sản là nội dung được LuatVietnam trình bày cụ thể tại bài viết dưới đây. Theo đó, bài viết sẽ giải đáp về trường hợp và thủ tục bán tài sản thông qua người giám hộ.

1. Trường hợp người giám hộ có quyền bán tài sản

Người giám hộ có nghĩa vụ quản lý tài sản của người được giám hộ trong trường hợp người được giám hộ chưa đủ 15 tuổi, từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Theo đó, Điều 59 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quản lý tài sản của người được giám hộ có quy định về quyền được bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc… liên quan đến tài sản của người được giám hộ.

Người giám hộ có nghĩa vụ quản lý tài sản của người được giám hộ (Ảnh minh hoạ)

Cụ thể, các trường hợp người giám hộ có quyền bán tài sản của người được giám hộ gồm:

- Khi giám hộ người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự

  • Những giao dịch mà người giám hộ có quyền thực hiện thay cho người được giám hộ phải đảm bảo mục đích vì lợi ích của người được giám hộ. Có thể kể đến một số lợi ích cho người được giám hộ như:  Phục vụ cho cuộc sống của người được giám hộ, gia tăng giá trị tài sản của người này…
  • Khi việc bán tài sản đã có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ thì người giám hộ sẽ được bán các tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, mặc dù các trường hợp này được Bộ luật Dân sự quy định là thế nhưng quy định cụ thể cùng hướng dẫn chi tiết về tài sản có giá trị lớn là gì, tiêu chí xác định như thế nào, việc đồng ý của người giám sát được thể hiện thông qua hình thức nào… thì không được quy định.

- Với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Người giám hộ có quyền bán tài sản của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quyết định của Toà án với phạm vi như quản lý tài sản của người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự nêu trên.

Do đó, người giám hộ được phép bán tài sản của người có khó khăn trong nhận thức, thực hiện hành vi khi có quyết định của Toà án.

Bởi vậy, có thể thấy, hiện có 03 trường hợp người giám hộ có quyền bán tài sản của người được giám hộ như trên: Khi có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ, khi thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ hoặc theo quyết định của Toà án.

2. Thủ tục bán tài sản là nhà, đất thông qua người giám hộ

Thủ tục, trình tự trong trường hợp người giám hộ có quyền bán tài sản là bất động sản gồm nhà, đất… của người được giám hộ được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng như sau:

2.1 Hồ sơ

- Bên bán tài sản (thực hiện thông qua người giám hộ):

  • Giấy tờ tuỳ thân của người được giám hộ và người giám hộ: Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy xác nhận cư trú (nếu có); đăng ký kết hôn (nếu có), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của người được giám hộ…
  • Giấy tờ về tài sản: Sổ đỏ hoặc biên bản bàn giao…
  • Giấy tờ chứng minh việc giám hộ: Quyết định cử người giám hộ của Toà án, giấy đăng ký giám hộ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã… về việc cử, chỉ định người giám hộ.
  • Giấy tờ chứng minh việc đồng ý cho bán tài sản của người được giám hộ từ người giám sát việc giám hộ.
  • Phiếu yêu cầu công chứng (điền đầy đủ thông tin theo mẫu do Văn phòng/Phòng công chứng).

- Bên mua tài sản:

  • Giấy tờ tuỳ thân của người mua như Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy xác nhận cư trú (nếu có); đăng ký kết hôn (nếu có), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
  • Dự thảo hợp đồng mua bán (nếu hai bên có thoả thuận từ trước).

2.2 Cơ quan giải quyết bán tài sản

Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng để thực hiện công chứng hợp đồng mua bán nhà, đất.

Hợp đồng mua bán nhà, đất phải công chứng (Ảnh minh hoạ)

2.3 Thời gian giải quyết

Có thể ngay trong ngày làm việc đó luôn hoặc nếu cần phải xác minh thì có thể kéo dài từ 02 - 10 ngày làm việc.

2.4 Các khoản tiền phải nộp

Khi thực hiện việc mua bán tài sản là nhà, đất, các khoản tiền bên mua và bên bán phải nộp gồm:

- Phí công chứng: Đây là khoản phí căn cứ vào giá bán do các bên thoả thuận được nêu tại hợp đồng mua bán nhà, đất.

- Thù lao công chứng: Đây là khoản tiền bao gồm tiền photo, tiền in ấn, tiền ký hồ sơ ngoài trụ sở… do tổ chức hành nghề công chứng tự thoả thuận với người yêu cầu công chứng.

Người nộp tiền có thể là bên bán hoặc bên mua tuỳ theo thoả thuận của các bên.

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Người giám hộ có quyền bán tài sản trong trường hợp nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.