Một người có được làm con nuôi của nhiều người không?

Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi. Vì lẽ đó, có nhiều người muốn được làm con nuôi của nhiều người thì có được không?


Không được làm con nuôi của nhiều người?

Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ, con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Khi giải quyết việc nuôi con nuôi, phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi.

Trong đó, tại Điều 8 Luật Nuôi con nuôi có quy định, để được nhận làm con nuôi thì phải là trẻ em dưới 16 tuổi. Nếu là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bắt buộc phải thuộc một trong hai trường hợp:

- Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;

- Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.

Đặc biệt, tại khoản 3 Điều này nêu rõ:

Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.

Như vậy, từ quy định trên, ngoài việc được nhận làm con nuôi của cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột thì chỉ trẻ em dưới 16 tuổi mới được nhận làm con nuôi. Và cũng chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của một cặp vợ chồng mà không thể đồng thời được làm con nuôi của nhiều người.

Bởi mặc dù việc nhận con nuôi nhằm bảo đảm quyền, lợi ích tốt nhất cho người con nuôi nhưng để có đủ điều kiện nhận con nuôi, cha mẹ nuôi phải đáp ứng điều kiện cụ thể tại Điều 14 Luật này:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

- Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

- Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi được tốt nhất;

- Có tư cách đạo đức tốt.

Như vậy, để được nhận con nuôi thì người có nhu cầu nhận nuôi phải đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên. Do đó, việc quy định một người không được làm con nuôi của nhiều người là hoàn toàn phù hợp.

Một người có được làm con nuôi của nhiều người không?

Một người có được làm con nuôi của nhiều người không? (Ảnh minh họa)


Có bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký nhận con nuôi không?

Trước đây, khi chưa có Luật Nuôi con nuôi, những quy định về việc nhận nuôi còn khá mơ hồ, không đồng bộ, gây khó khăn cho quá trình nhận nuôi. Vì vậy, thông thường nếu có phát sinh quan hệ nuôi con nuôi thì các cặp cha mẹ cũng không đi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, tại Điều 4 Luật này cũng nêu rõ, việc nuôi con nuôi cần tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình của những người có quan hệ huyết thống, hoàn toàn dựa vào sự tự nguyện, bình đẳng, đảm bảo quyền, lợi ích cho cả hai bên.

Do đó, hiện nay, vẫn chưa có quy định nào bắt buộc khi nhận con nuôi phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, để tránh trường hợp phát sinh tranh chấp về tài sản, thừa kế… khi nhận con nuôi, cặp cha mẹ nhận nuôi vẫn nên thực hiện đăng ký.

Ngoài ra, bởi khi việc nhận nuôi con nuôi có hiệu lực pháp luật thì quan hệ cha, mẹ, con nuôi mới được xác lập. Kéo theo đó là quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, tài sản… Do đó, mặc dù hiện hành pháp luật không quy định bắt buộc phải thực hiện đăng ký nuôi con nuôi nhưng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cả hai bên thì nên thực hiện thủ tục này.

>> Thủ tục nhận con nuôi theo quy định mới nhất

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục