Mất đăng ký kết hôn, đăng ký lại được không?

Hiện nay, rất nhiều vợ chồng sau khi đăng ký thì... làm mất luôn đăng ký kết hôn. Đến khi cần dùng giấy tờ này, khá nhiều người không biết phải làm thế nào. Vậy trường hợp này, có được đăng ký lại không?


Giấy chứng nhận kết hôn được cấp 2 bản chính?

Giấy chứng nhận kết hôn hay còn gọi là đăng ký kết hôn là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho hai bên nam nữ khi đăng ký kết hôn (Điều 4 Luật Hộ tịch).

Đăng ký kết hôn sẽ gồm các nội dung:

- Thông tin nhân thân của vợ, chồng như: Họ, chữ đệm và tên; ngày tháng năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;

- Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;

- Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch.

Theo Điều 18 Luật Hộ tịch, hai bên nam nữ khi muốn đăng ký kết hôn thì nộp tờ khai theo mẫu và cùng có mặt tại cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục:

- Nộp đầy đủ các loại giấy tờ: Tờ khai đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân...

- Xem xét điều kiện kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình: Nam từ đủ 20 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi, hoàn toàn tự nguyện…

- Công chức tư pháp, hộ tịch ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch, hai bên nam nữ cùng ký tên vào sổ này;

- Công chức tư pháp, hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Như vậy, sau khi xét thấy đôi nam, nữ có đủ điều kiện và giấy tờ đăng ký kết hôn thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ trao giấy chứng nhận kết hôn cho cả người nam và người nữ. Do đó, đăng ký kết hôn sẽ được cấp thành 02 bản chính.

mất đăng ký kết hôn
Mất đăng ký kết hôn, đăng ký lại được không? (Ảnh minh họa)

Bắt buộc phải đăng ký lại nếu mất giấy chứng nhận kết hôn?

Mặc dù mỗi người nam, nữ khi đăng ký kết hôn sẽ được cấp 01 bản chính nhưng thực tế rất nhiều người đã làm thất lạc. Vậy phải làm thế nào để có lại giấy chứng nhận kết hôn?

Khi sổ hộ tịch và bản chính đều bị mất

Trong trường hợp này, theo Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, nếu trước ngày 01/01/2016 đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nhưng cả sổ hộ tịch và bản chính đều bị mất thì sẽ được đăng ký kết hôn lại.

Người có yêu cầu phải nộp đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã làm thủ tục trước đây hoặc nơi người này thường trú gồm:

- Tờ khai theo mẫu;

- Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn đã được cấp trước đây. Nếu không có bản sao thì nộp hồ sơ, giấy tờ cá nhân có thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn (bản sao).

Lúc này, quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ tịch. Nếu không xác định được ngày kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ ngày 01/01 của năm đăng ký kết hôn trước đây.

Khi thông tin đăng ký kết hôn vẫn còn lưu trong sổ hộ tịch

Khi cả sổ hộ tịch cũng không còn lưu trữ dữ liệu về việc kết hôn thì bắt buộc hai người phải đăng ký kết hôn lại. Tuy nhiên, nếu chỉ bị mất bản chính và sổ hộ tịch vẫn còn thông tin thì vợ chồng có thể yêu cầu cấp bản sao trích lục.

Theo Điều 63 Luật Hộ tịch hiện hành, cá nhân không phụ thuộc vào nơi cư trú có quyền yêu cầu Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch về sự kiện hộ tịch của mình đã được đăng ký.

Như vậy, khi đã thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn hợp pháp, nếu sơ sót mà làm mất giấy chứng nhận kết hôn thì cá nhân có thể đến nơi mình đã đăng ký kết hôn trước đây hoặc các cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch như Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao… để xin trích lục chứng nhận kết hôn.

Khi đó, người có yêu cầu phải chuẩn bị và nộp Tờ khai (theo mẫu) đến cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch. Ngay sau khi nhận được yêu cầu, cơ quan này sẽ cấp bản sao trích lục nếu xét thấy đề nghị hợp lệ.

Tóm lại, khi bị mất đăng ký kết hôn thì vợ, chồng có thể đăng ký lại kết hôn nếu sổ hộ tịch cũng bị mất hoặc chỉ xin cấp bản sao trích lục (nếu được).

>> Thủ tục đăng ký kết hôn: Những điều cần biết

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục