Ly thân có được cưới người khác không?

Nhiều cặp vợ, chồng khi không còn tình cảm thường chọn ly thân. Tuy nhiên, không thiếu trường hợp đang ly thân nhưng cưới người khác hoặc sống chung với người khác. Vậy trường hợp đó có đúng luật không?

Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi của độc giả thông qua tổng đài 1900.6199 để LuatVietnam về vấn đề ly thân trước khi ly hôn.

1. Đang ly thân mà làm đám cưới với người khác có phạm luật?

Câu hỏi:

Vợ chồng em ly thân hơn 01 năm nay và cũng đã gửi đơn lên Tòa án nhưng chưa được giải quyết. Giờ cô ấy vào nam làm việc. Tuần trước, Tòa án gửi thông báo vợ, chồng em xuống Tòa để hòa giải thì cô ấy bảo cô ấy đã làm đám cưới với người khác ở trong nam rồi nên không về nữa. Nhưng rõ ràng vợ, chồng em chưa được Tòa án giải quyết ly hôn, bọn em chưa nhận được quyết định ly hôn. Vậy giờ cô ấy làm đám cưới với người khác như thế thì có được không? Mong giải đáp cho em ạ.

Trả lời:

Trước hết để xác định việc vợ bạn cưới người khác trong thời gian đang ly thân với bạn mà chưa ly hôn thì cần phải xem xét đến các vấn đề sau đây:

1.1 Ly thân có phải ly hôn không?

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực do Tòa án ban hành. Đây là định nghĩa được giải thích tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Do đó, chỉ khi hai vợ chồng thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa, được Tòa án quyết định việc chấm dứt quan hệ vợ chồng bằng bản án (đơn phương ly hôn) hoặc quyết định ly hôn (thuận tình ly hôn) thì quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng mới hoàn toàn chấm dứt. Lúc này, hai người sẽ không còn trong mối quan hệ vợ, chồng với người khác và là người độc thân.

Đồng thời, các văn bản pháp luật hiện nay không quy định về việc ly thân. Nhưng thực tế, đây là tình trạng rất phổ biến diễn ra giữa vợ, chồng. Có thể hiểu, ly thân là việc hai vợ chồng không còn tình cảm với nhau, không sống chung với nhau nhưng chưa làm thủ tục ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền.

Bởi vậy, ly thân không phải ly hôn. Có thể hiểu, đây chỉ là tình trạng vợ, chồng không sống chung với nhau, muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân nhưng chưa được pháp luật công nhận việc chấm dứt quan hệ vợ, chồng.

1.2 Vợ bạn làm đám cưới thì có đăng ký kết hôn không?

Cũng tại Luật Hôn nhân và Gia đình, cụ thể là khoản 5 Điều 3 định nghĩa kết hôn như sau:

Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn

Theo đó, chỉ được trở thành vợ, chồng hợp pháp nếu hai người nam, nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn và thực hiện đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền.

Còn về đám cưới, hai người nam, nữ có thể làm đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn. Đám cưới trên thực tế chỉ được xem là một nghi lễ để hai bên nam, nữ thông báo với họ hàng hai bên, hàng xóm láng giềng, bạn bè, đồng nghiệp… về việc “nên vợ nên chồng” của mình.

Do đó, đám cưới không có giá trị pháp lý, đây chỉ là nghi thức truyền thống. Bởi vậy, dù đám cưới nhưng không đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền thì cũng không được công nhận là vợ, chồng hợp pháp.

Từ hai căn cứ trên có thể thấy, trường hợp của bạn, quan hệ vợ chồng giữa bạn và vợ vẫn chưa chấm dứt. Hiện hai người vẫn là vợ, chồng hợp pháp. Còn việc vợ bạn đám cưới với người khác nhưng không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận. Do đó, nếu vợ bạn muốn được làm vợ hợp pháp của người kia thì bắt buộc phải về quê để giải quyết thủ tục ly hôn tại Tòa án.

>> Tổng đài tư vấn về ly hôn 1900.6199

2. Đã ly thân có được đăng ký kết hôn với người khác không?

Câu hỏi:

Tôi với vợ cũ đã ly thân với nhau được mấy năm nay nhưng do vợ cũ của tôi đang ở nước ngoài nên chưa ra Tòa làm thủ tục ly hôn được. Sau khi ly thân với vợ cũ, tôi có tình cảm và muốn làm đăng ký kết hôn với người yêu hiện tại của tôi. Nhưng khi tôi đi đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân thì cán bộ tư pháp xã không đồng ý cấp giấy xác nhận độc thân cho tôi cũng không cho tôi đăng ký kết hôn với người yêu của tôi.

Vậy cho tôi hỏi, cán bộ làm thế có đúng không? Rõ ràng tôi với vợ đã ly thân lâu lắm rồi, chưa ra Tòa do cô ta không chịu về thôi thì cũng phải cho tôi cưới người khác chứ. Tôi cảm ơn.

Trả lời:

Theo điểm d khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình, điều kiện kết hôn là không thuộc một trong các trường hợp bị cấm như đang có vợ, đang có chồng mà kết hôn với người khác, kết hôn giả tạo…

Do đó, chỉ khi đang không có vợ, đang không có chồng và đáp ứng các điều kiện đăng ký kết hôn khác như nam đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi, hai bên hoàn toàn tự nguyện, đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền… thì việc kết hôn mới có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, theo phân tích ở mục 1 nêu trên, ly thân chỉ là tình trạng vợ, chồng không muốn sống chung với nhau nữa, muốn chấm dứt quan hệ vợ chồng nhưng chưa thực hiện thủ tục ly hôn tại Tòa án có thẩm quyền và chưa nhận được bản án hoặc quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật.

Đồng nghĩa, ly thân không làm nam, nữ trở về tình trạng độc thân được. Do đó, việc cán bộ tư pháp từ chối cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và từ chối đăng ký kết hôn cho bạn cùng người yêu là hoàn toàn có cơ sở pháp lý.

Do vậy, trước khi đăng ký kết hôn với người khác, bạn cần phải thực hiện thủ tục ly hôn với vợ. Hiện nay, nếu vợ của bạn đang ở nước ngoài và không muốn về nước để ly hôn với bạn thì bạn có thể tham khảo thêm thủ tục ly hôn tại bài viết dưới đây: Thủ tục ly hôn khi chồng ở nước ngoài tiến hành thế nào? Hoặc gọi điện đến tổng đài 1900.6199 để được tư vấn, giải đáp cụ thể.

3. Ly thân mà chồng sống chung với người khác, phải làm sao?

Câu hỏi:

Chồng em ngoại tình nên bọn em đang ly thân. Nhưng trong thời gian này, anh ta chẳng kiêng dè gì nữa, ngang nhiên đến sống chung với bồ nhí của anh ta. Vậy giờ chồng em thế thì em phải làm gì ạ? Em cũng viết đơn rồi nhưng anh ta không chịu ký vào đơn ly hôn.

Trả lời:

Việc sống chung với người khác khi đang có vợ hoặc có chồng là một trong những hành vi bị cấm. Dù đang ly thân thì quan hệ hôn nhân của vợ, chồng vẫn chưa chấm dứt. Do đó, đây có thể coi là hành vi ngoại tình.

Với hành vi ngoại tình, người vợ, chồng có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

- Bị phạt tiền đến 05 triệu đồng căn cứ theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Cụ thể, nếu đang có vợ/chồng mà chung sống như vợ, chồng với người khác hoặc chưa có vợ/chồng nhưng chung sống với người biết rõ đã có chồng/vợ thì sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.

- Ngồi tù đến 3 năm: theo Điều 182 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.

Xem chi tiết: 5 hậu quả pháp lý người ngoại tình phải gánh (video)

Và cách xử lý khi có vợ, chồng ngoại tình như sau:

3.1 Khởi kiện hoặc tố cáo chồng ngoại tình

Do đây là hành vi vi phạm pháp luật nên khi có vợ, chồng ngoại tình nên người còn lại có thể tố cáo hoặc khởi kiện hành vi ngoại tình này. Dù tố cáo hay khởi kiện thì cũng cần phải có đầy đủ bằng chứng, chứng cứ về hành vi ngoại tình này.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ khi “sống chung với người khác như vợ chồng” thì vợ, chồng mới bị xử lý về hành vi ngoại tình. Các biểu hiện của hành vi này gồm:

- Có tổ chức đám cưới.

- Chung sống với nhau được gia đình chấp nhận.

- Có sự chứng kiến của tổ chức, người khác…

3.2 Thu thập bằng chứng để giành được “lợi thế” khi ly hôn

Một trong những căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn thuận tình được nêu tại khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình. Theo đó, nếu vợ, chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ của mình trong quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ xem xét giải quyết cho ly hôn.

Mà một trong những nghĩa vụ của vợ chồng là phải chung thủy, yêu thương đối phương. Do đó, khi ly hôn, nếu một trong hai bên ngoại tình thì sẽ là căn cứ để Tòa án ly hôn.

Đồng thời, việc một bên ngoại tình cũng có thể là bất lợi cho bên đó nếu hai người chia tài sản khi ly hôn. Bởi tài sản khi ly hôn sẽ được chia đôi nhưng có xem xét đến yếu tố lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Ngoài ra, nếu chồng chị không chịu ký vào đơn ly hôn thì chị có thể gửi đơn ly hôn đơn phương. Trong trường hợp này, đơn chỉ cần một mình chị ký và chị sẽ là người yêu cầu ly hôn. Trong đơn, chị trình bày yêu cầu muốn ly hôn cũng như lý do ly hôn là vì chồng chị ngoại tình.

Chị có thể tham khảo biểu mẫu sau đây:

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

……….., ngày ….. tháng …. năm ………


ĐƠN KHỞI KIỆN

(v/v: Ly hôn)

Kính gửi:  TÒA ÁN NHÂN DÂN (1) ………………………………….………..

Người khởi kiện: ………………………………….………..

Địa chỉ: ………………………………….………..

Số điện thoại: ………………… (nếu có); số fax: ……………….………. (nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………................................... (nếu có)

Người bị kiện: ………………………………….………..         

Địa chỉ: ………………………………….………..

Số điện thoại: ………………… (nếu có); số fax: ……………….………. (nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ……….......................................... (nếu có)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có): ………………………

Địa chỉ: ………………………………….………..

Số điện thoại: ………………… (nếu có); số fax: ……………….………. (nếu có)

Địa chỉ thư điện tử: ………....................................................................... (nếu có)

Yêu cầu Toà án nhân dân (1) ………… giải quyết những vấn đề sau đối với bị đơn: 

1.Về quan hệ hôn nhân: (2) Năm ………., chúng tôi kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại UBND ………………

Thời gian đầu cuộc sống vợ chồng hòa thuận hạnh phúc, nhưng mấy năm về sau phát sinh mâu thuẫn nên thường cãi vã. Anh… ngoại tình với chị … Hiện tại, tôi và chồng đang sống ly thân và anh … ngang nhiên đến sống chung với chị… mà không quan tâm, chăm sóc và trách nhiệm với con cái.

2. Về con chung: (3) ................................................................................................

3 – Về tài sản: (4) ...................................................................................................

4 –Về công nợ: (5) ...................................................................................................

Danh mục tài liệu, chứng kèm theo đơn khởi kiện gồm có:

1. Chứng minh nhân dân (chứng thực)

2. Sổ hộ khẩu (chứng thực)

3. Giấy khai sinh (chứng thực)

4. Đăng ký kết hôn

5. Một số giấy tờ khác có liên quan

(Các thông tin khác mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án) (6) ..........     

Trên đây là toàn bộ những yêu cầu của tôi, đề nghị tòa án xem xét, giải quyết. Ngoài ra tôi không khiếu nại gì thêm, nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Kính mong quý Tòa xem xét giải quyết trong thời hạn luật định.

Tôi xin trân trọng cảm ơn!

NGƯỜI KHỞI KIỆN

                                             

Chú thích:

1. Ghi tên Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện, thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện nào thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào

Ví dụ: Toà án nhân dân huyện A thuộc tỉnh B, nếu là Toà án nhân dân cấp tỉnh, thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) nào (ví dụ: Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên) và địa chỉ của Toà án đó.

2. Trình bày lý do, yêu cầu về việc giải quyết ly hôn đơn phương và kết quả của cuộc hôn nhân là: Như trình bày của chị thì do anh ngoại tình. Do đó, chị có thể tham khảo cách viết ở trên của LuatVietnam.

3. Trình bày rõ hai vợ chồng có mấy người con, yêu cầu được nuôi dưỡng và cấp dưỡng đối với từng người con, nhu cầu và quyết định của người con (nếu theo luật phải hỏi ý kiến của cháu bé) ….

4. Khi có tài sản chung, muốn phân chia tài sản như thế nào thì ghi rõ đề nghị tại mục này. Còn nếu không có thì ghi rõ không có và không yêu cầu Tòa án chia.

5. Nếu trong quá trình sinh sống, hai vợ chồng có công nợ chung gì nếu muốn Tòa án phân chia thì cũng nêu rõ. Nếu không có thì ghi rõ không có và không yêu cầu Tòa án chia.

6. Ghi những thông tin mà người khởi kiện xét thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án

Ví dụ: Người khởi kiện thông báo cho Toà án biết khi xảy ra tranh chấp một trong các đương sự đã đi nước ngoài chữa bệnh…

Trên đây là giải đáp một số câu hỏi về việc ly thân có được cưới người khác không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6199 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.