Ly hôn thuận tình không cần ra Tòa: Có đúng không?

Khi thuận tình ly hôn, nhiều người nghĩ rằng, vợ chồng đã đạt thành thống nhất về vấn đề chấm dứt quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con, phân tài sản… nên có thể không cần đến Tòa. Vậy có đúng là ly hôn thuận tình không cần đến Tòa không?


1. Ly hôn thuận tình, vợ chồng phải đến Tòa để hòa giải?

Ly hôn thuận tình là việc hai vợ chồng thật sự tự nguyện ly hôn, đã thỏa thuận được với nhau về các vấn đề xung quanh việc chấm dứt quan hệ hôn nhân: Chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng con… theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình.

Căn cứ Điều 361 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc dân sự được định nghĩa như sau:

Việc dân sự là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.

Như vậy, có thể khẳng định, thuận tình ly hôn là việc dân sự.

Theo khoản 2 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự, trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải để vợ, chồng đoàn tụ:

- Nếu hòa giải thành đồng nghĩa vợ chồng đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu ly hôn thuận tình.

- Nếu hòa giải không thành đồng nghĩa vợ, chồng không đoàn tụ thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các bên theo các điều kiện hai bên tự nguyện, thỏa thuận được với nhau về các vấn đề liên quan…

Tuy nhiên, theo khoản 4 Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự, với việc ly hôn nói chung, ly hôn thuận tình nói riêng, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng.

Căn cứ quy định này, khi Tòa tiến hành hòa giải, vợ, chồng không được ủy quyền cho người khác mà phải tự mình đến Tòa để tham gia phiên hòa giải.

Như vậy, khi thuận tình ly hôn, hai vợ, chồng phải cùng có mặt tại Tòa để tham gia phiên hòa giải.

>> Tổng đài tư vấn miễn phí về ly hôn của LuatVietnam 1900.6192



2. Có được vắng mặt khi mở phiên họp ly hôn thuận tình?

Trong quá trình giải quyết việc thuận tình ly hôn, Tòa án phải mở phiên họp để giải quyết việc dân sự trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp.

Đồng thời, khoản 2 Điều 367 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu rõ:

Người yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ phải tham gia phiên họp theo giấy triệu tập của Tòa án.

Theo quy định này, khi Tòa mở phiên họp giải quyết việc ly hôn thuận tình, các bên phải có mặt tại Tòa theo giấy triệu tập của Tòa. Tuy nhiên, vợ, chồng yêu cầu thuận tình ly hôn có thể vắng mặt:

- Vắng mặt lần thứ nhất: Tòa án sẽ hoãn phiên họp trừ trường hợp người yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết việc dân sự vắng mặt họ.

- Vắng mặt lần thứ hai: Người yêu cầu sẽ bị coi là từ bỏ yêu cầu và Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự.

Như vậy, theo quy định này, vợ, chồng có thể vắng mặt và đề nghị Tòa giải quyết ly hôn vắng mặt. Nhưng nếu không có yêu cầu mà vắng mặt lần thứ hai thì sẽ bị coi là từ bỏ yêu cầu và việc ly hôn thuận tình sẽ bị đình chỉ.

Lưu ý: Trên thực tế, thường sẽ tổ chức phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải trong cùng một ngày. Nội dung bài viết chỉ đề cập đến quy định chung của pháp luật. Những trường hợp cụ thể trong thực tế, để hiểu rõ hơn, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được tư vấn.


3. Mẫu đơn yêu cầu ly hôn vắng mặt mới nhất

Hiện nay, để yêu cầu vắng mặt, vợ, chồng sử dụng mẫu đơn dưới đây:

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

.................., ngày......tháng......năm .........

ĐƠN ĐỀ NGHỊ

(về việc yêu cầu ly hôn vắng mặt)

Kính gửi:  Tòa án nhân dân …………………………..………………………..

Tôi là: ………………………………………………………………….………….

Sinh ngày ………. tháng ………….. năm …………………………………….…

CMND/Căn cước công dân/hộ chiếu số:… ……..… do….. cấp ngày …..………

Hộ khẩu thường trú tại: …………………………………………….….…………

Chỗ ở hiện tại: ………………………………………………………………..…..

Tôi là …….…… trong vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là ….…và bị đơn là ……..

Hiện nay, do tôi …………………………………………………………………..

nên không thể tham gia phiên tòa xét xử được.

Ngoài ra, dưới đây tôi xin trình bày yêu cầu của mình các nội dung sau:

1. Về quan hệ hôn nhân: ………………………………………………………….

2. Về con chung: ………………………………………………………………….

3. Về công nợ chung: ……………………………………………………………..

Vì lý do nêu trên, tôi kính mong quý Tòa chấp thuận sự vắng mặt của tôi trong quá trình giải quyết ly hôn với chồng/vợ tôi là …………………………………..

Tôi xin cam kết những nội dung đã trình bày trong đơn này là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Rất mong nhận được sự giúp đỡ của quý Toà. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Người làm đơn

(Ký, ghi rõ họ tên)

Trên đây là quy định về việc ly hôn thuận tình không cần ra Tòa. Trong thực tế, có rất nhiều tình huống có thể xảy ra, để trình bày cụ thể trường hợp của mình cũng như để nhận được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất, cụ thể nhất của luật sư và các chuyên gia pháp lý, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192.

>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.