Thực tế không thiếu trường hợp trớ trêu người chồng yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi phát hiện ra con không phải con đẻ của mình. Vậy trường hợp này, có được ly hôn không?
Phát hiện không phải con mình có được ly hôn không?
LuatVietnam xin trả lời như sau:
Hiện nay, về quyền ly hôn, Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) năm 2014 nêu rõ:
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Từ quy định này, người có quyền ly hôn là:
- Vợ;
- Chồng. Nhưng chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
- Vợ và chồng;
- Cha, mẹ, người thân thích khác nếu một bên vợ, chồng bị tâm thần hoặc bệnh khác không nhận thức, làm chủ được hành vi; là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
Đồng thời, Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu ly hôn của một bên khi có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được (căn cứ Điều 56 Luật HN&GĐ).
Trong đó, chung thủy là một trong những nghĩa vụ của vợ, chồng được nêu tại khoản 1 Điều 19 Luật HN&GĐ:
Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình
Như vậy, người vợ không chung thủy, ngoại tình đã vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. Đặc biệt, khi việc không chung thủy khiến quan hệ vợ chồng trầm trọng, không thể sống cùng với nhau, mục đích hôn nhân không đạt được thì người chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Lưu ý: Khi gửi đơn đến Tòa thì người chồng phải có đầy đủ chứng cứ về việc người vợ không chung thủy, người con không phải con của mình thì yêu cầu ly hôn mới được Tòa án chấp nhận.
Tuy nhiên, với trường hợp của bạn thì hiện tại bạn không được quyền gửi đơn ly hôn đơn phương đến Tòa để ly hôn. Bởi hiện tại, vợ bạn đang mang thai. Mà theo khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ, chồng không được yêu cầu ly hôn khi vợ đang mang thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 01 tuổi.
Do đó, trong trường hợp này, bạn phải chờ qua thời gian 12 tháng kể từ khi vợ bạn sinh con và có đầy đủ bằng chứng, chứng cứ về việc đứa trẻ không phải con đẻ của bạn thì mới được Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn đơn phương.
Có được ly hôn khi phát hiện con không phải con mình? (Ảnh minh họa)
Không phải con mình, sau ly hôn có phải cấp dưỡng?
LuatVietnam xin trả lời như sau:
Vì anh không nói rõ đứa bé được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hay sau khi ly hôn nên theo quy định tại Điều 88 Luật HN&GĐ, việc xác định cha, mẹ được quy định như sau:
- Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ, chồng;
- Con sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân;
- Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
Đặc biệt, khoản 2 Điều 88 Luật này khẳng định:
Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định
Về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ và con, Điều 110 Luật HN&GĐ quy định:
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con
Do đó, nếu đứa bé được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, do vợ anh có thai trong thời kỳ hôn nhân, trong thời hạn 300 ngày kể từ ngày chấm dứt hôn nhân hoặc trước ngày đăng ký kết hôn và được thừa nhận thì là con chung của hai vợ chồng. Và anh phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung của hai người nếu khi ly hôn đứa bé ở với mẹ.
Ngược lại, nếu anh không muốn thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định. Khi đó, nếu vợ, chồng ly hôn thì anh không phải cấp dưỡng cho đứa bé.
Noi tóm lại: Không phải mọi trường hợp biết con không phải con mình người chồng cũng được ly hôn. Người chồng chỉ được Tòa án chấp nhận yêu cầu ly hôn khi đáp ứng 02 điều kiện sau đây:
- Có bằng chứng đầy đủ về việc đứa trẻ không phải con đẻ (bằng chứng ngoại tình khiến hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung vợ chồng không thẻ kéo dài; vợ, chồng không thể ở cùng với nhau được nữa);
- Vợ không thuộc trường hợp mang thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 01 tuổi.
Trên đây là quy định về việc ly hôn khi biết con không phải của mình. Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.
>> Thủ tục ly hôn: Cần giấy tờ gì? Nộp ở đâu?
>> Mẫu Đơn ly hôn chuẩn của Tòa án và thủ tục ly hôn nhanh nhất