Ly hôn là việc hai vợ chồng tự nguyện chấm dứt quan hệ hôn nhân theo bản án, quyết định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều người ly hôn giả để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ. Vậy ly hôn giả tạo là gì?
Ly hôn giả tạo là gì?
Theo định nghĩa tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình, ly hôn được định nghĩa như sau:
14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo đó, khi hai vợ chồng hoặc thỏa thuận ly hôn (ly hôn thuận tình) hoặc một trong hai bên yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc (ly hôn đơn phương), nếu nhận được bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì quan hệ hôn nhân hoàn toàn chấm dứt.
Tuy nhiên, nếu mục đích ly hôn không phải do muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân hoặc không phải do hôn nhân lâm vào “tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được” thì đây có thể xem là ly hôn giả tạo.
Ly hôn giả tạo được khoản 15 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình định nghĩa như sau:
15. Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Như vậy, nếu ai lợi dụng việc ly hôn mà không nhằm mục đích chấm dứt quan hệ hôn nhân vợ, chồng mà vì trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân sự hoặc để đạt mục đích khác thì đều bị xem là ly hôn giả tạo.
Tuy nhiên, đáng nói rằng, thực tế sẽ rất khó khăn trong việc xác định việc ly hôn đó có phải giả tạo hay không. Bởi mặc dù có thể mục đích ly hôn là giả tạo nhưng khi có bản án, quyết định của Tòa về việc ly hôn đã có hiệu lực thì quan hệ hôn nhân giữa vợ, chồng cũng chấm dứt.
Đặc biệt, nếu hai người từng là vợ, chồng, đã có bản án, quyết định ly hôn mà muốn về sống với nhau thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn.
Có thể nêu ví dụ về trường hợp ly hôn giả tạo như sau:
Chị A mặc dù đã lấy chồng ở Việt Nam nhưng vì muốn được sang nước ngoài định cư nên đã bàn bạc với chồng là anh B hiện đang sống tại Việt Nam là sẽ ly hôn giả để chị A được kết hôn với anh C - là người có quốc tịch nước ngoài.
Chị A và anh B thỏa thuận sẽ ly hôn tại Việt Nam, sang được nước ngoài để kết hôn và được định cư tại đó thì sẽ ly hôn với anh C và đón anh B từ Việt Nam sang nước ngoài để kết hôn lại.
Trường hợp này, chị A và anh B đã có hành vi ly hôn giả tạo không nhằm mục đích chấm dứt quan hệ hôn nhân và để chị A được nhập quốc tịch nước ngoài.
>> Tổng đài tư vấn ly hôn miễn phí của LuatVietnam 1900.6192
Ly hôn giả nhưng hậu quả nhận lại là thật?
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình, ly hôn giả tạo là một trong những hành vi bị cấm trong quan hệ hôn nhân và gia đình.
Theo đó, nếu ai vi phạm thì sẽ bị xử phạt theo điểm đ khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng:
Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.
Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp này thuộc về:
- Công chức tư pháp, hộ tịch cấp xã (khoản 2 Điều 82 Nghị định 82/2020).
- Công chức Phòng Tư pháp cấp huyện (khoản 3 Điều 82 Nghị định 82/2020).
- Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Tư pháp (theo điểm b khoản 2 Điều 88 Nghị định 82/2020).
- Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (theo điểm đ khoản 2 Điều 88 Nghị định 82/2020).
Trên đây là giải đáp về ly hôn giả tạo là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.