Ly hôn giả để sinh con thứ 3 bị xử lý thế nào?

Khi muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân, vợ chồng lựa chọn gửi đơn đến Tòa án để ly hôn. Tuy nhiên, người không ly hôn vì mục đích này. Một trong số các lý do ly hôn giả tạo phổ biến là để sinh con thứ ba. Vậy trường hợp này sẽ bị xử lý thế nào?

Câu hỏi:

Xin chào LuatVietnam. Hiện em đang làm Đảng viên cũng đồng thời là giáo viên dạy cấp mầm non tại một trường công lập của tỉnh Yên Bái. Mới đây, vì lỡ kế hoạch, em đã có thai. Nhưng vấn đề là hiện em và chồng đã có hai con - một trai và một gái rồi. Nhưng hiện tại đã có thai nên chúng em muốn sinh cháu ra.

Bạn chồng em có góp ý là để vợ, chồng em ly hôn trước. sau đó, khi em sinh cháu ra thì hai chúng em lại kết hôn lại.

Cho em hỏi, bọn em làm như thế có được không ạ? Em vừa làm viên chức lại là Đảng viên thì làm vậy có bị kỷ luật không? Vì Đảng viên không được sinh con thứ ba đúng không ạ? Em đang rất bối rối. Mong sớm nhận được phản hồi từ phía LuatVietnam ạ.

Em chân thành cảm ơn anh/chị.

Trả lời:


1. Đảng viên có được sinh con thứ 3 không?

Theo điểm b khoản 1 Điều 27 Quy định 102 năm 2017, tùy vào mức độ vi phạm cùng việc có tái phạm không, Đảng viên sinh con thứ ba có thể sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ) hoặc khai trừ khi vi phạm quy định sau trừ trường hợp pháp luật có quy định khác:

Khai báo hoặc xin xác nhận, giám định không trung thực về tình trạng sức khỏe của vợ (chồng), con để thực hiện không đúng quy định hoặc để trốn tránh không bị xử lý do vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.

Như vậy, Ban Chấp hành cấm Đảng viên có hành vi không trung thực khi khai báo, xin xác nhận, giám định về sức khỏe của vợ, chồng, con để sinh con thứ ba. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp sinh con thứ ba không bị kỷ luật.

Cụ thể, căn cứ vào Điều 2 Quy định số 5-QĐi/TW năm 2018 và Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW, có thể kể đến một số trường hợp như:

- Không được coi là vi phạm chính sách dân số:

+ Đã có một con đẻ, sinh lần hai thì sinh đôi trở lên.

+ Sinh lần thứ ba trở lên mà tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi; nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con đều bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không di truyền. Trường hợp này phải có giám định của y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương…

- Do mang thai ngoài ý muốn: Nếu sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến người mẹ. Trường hợp này phải có xác nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên…

Xem thêm…

Như vậy, không phải mọi trường hợp Đảng viên sinh con thứ ba đều sẽ vi phạm quy định của Đảng và bị kỷ luật. Trong một số trường hợp như trên, Đảng viên hoàn toàn được phép sinh con thứ ba.


2. Đảng viên ly hôn để lách luật sinh con thứ ba - có phạm luật?

Mặc dù trong một số trường hợp, sinh con thứ ba không bị kỷ luật hay xử phạt vi phạm hành chính nhưng nếu vợ, chồng bạn chọn việc ly hôn giả để sinh con thứ ba thì đây lại là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi các nguyên nhân sau đây:

Một là: Ly hôn giả tạo được định nghĩa tại khoản 15 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:

Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

Tuy nhiên, dù là ly hôn giả nhưng hai vợ, chồng đã gửi đơn yêu cầu đến Tòa án nhân dân để yêu cầu Tòa án chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa hai người. Khi Tòa án ra quyết định, bản án ly hôn thì quan hệ hôn nhân của vợ, chồng đã hoàn thành chấm dứt.

Do đó, thực tế rất khó khăn trong việc xác định việc ly hôn đó có phải giả tạo hay không bởi quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, đồng nghĩa quan hệ vợ chồng cũng thực sự chấm dứt. Nếu sau khi thực hiện xong mục đích của ly hôn giả tạo, hai vợ, chồng phải làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Tuy nhiên, khi có đủ căn cứ chứng minh việc ly hôn của vợ, chồng là giả tạo thì đây chính là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cấm kết hôn giả tạo cũng như ly hôn giả tạo.

Bởi vậy, có thể khẳng định, ly hôn giả tạo là hành vi vi phạm pháp luật.

Xem thêm: Ly hôn giả tạo là gì? Bị phạt thế nào?

Hai là: Như phân tích ở trên, mặc dù không phải mọi trường hợp đều cấm Đảng viên sinh con thứ ba. Tuy nhiên, các trường hợp được phép sinh con thứ ba phải là trường hợp không vi phạm quy định về chính sách dân số hoặc là tình huống ngoài ý muốn, không thể khắc phục được.

Do đó, khi là Đảng viên nhưng cố ý chọn ly hôn giả tạo để sinh con thứ ba thì chắc chắn là hành vi vi phạm pháp luật.

ly hon gia de sinh con thu 3


3. Ly hôn để sinh con thứ ba, vợ, chồng bị xử lý thế nào?

3.1 Giáo viên là viên chức

Không giống trước đây, theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP (đã hết hiệu lực), viên chức Nhà nước sinh con thứ ba trở lên sẽ bị kỷ luật theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, Luật Viên chức 2010, sau này là Luật Viên chức sửa đổi năm 2019 cũng như Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức không đề cập đến trường hợp giáo viên là viên chức mà sinh con thứ ba sẽ bị phạt thế nào.

Tuy nhiên, nếu sinh con thứ ba thuộc trường hợp vi phạm về dân số thì giáo viên sẽ bị kỷ luật theo khoản 9 Điều 16 Nghị định 112/2020/NĐ-CP như sau:

- Khiển trách: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng.

- Cảnh cáo: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phạm.

- Cách chức (với người có chức vụ): Đã bị cảnh cáo mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng.

- Buộc thôi việc: Bị cảnh cáo mà còn tái phạm; vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

3.2 Đảng viên

Như phân tích ở trên, Đảng viên nếu có hành vi xin xác nhận giám định không đúng về tình trạng sức khỏe của vợ hoặc chồng để sinh con thứ ba thì có thể bị kỷ luật khiển trách. Nếu tái phạm và tái phạm nhiều lần thì có thể bị cảnh cáo, cách chức khi có chức vụ hoặc khai trừ khỏi Đảng theo Quy định 102 năm 2017 về kỷ luật Đảng viên.

Xem thêm…

Đồng thời, Điều 24 Quy định 102 này cũng khẳng định, nếu Đảng viên vi phạm quy định về ly hôn trái luật thì cũng tùy vào mức độ, tái phạm để bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) hoặc khai trừ ra khỏi Đảng.

3.3 Có bị xử phạt hành chính không?

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, người nào lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách về dân số hoặc vì mục đích khác mà không phải chấm dứt hôn nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.


4. Trả lời tình huống của độc giả

Với tình huống cụ thể của bạn, theo phân tích ở trên, LuatVietnam xin trả lời như sau:

- Bạn là giáo viên: Dù sinh con thứ ba, bạn sẽ không bị kỷ luật nếu nội quy của trường học không có quy định xử lý kỷ luật. Nhưng nếu bạn chọn ly hôn giả tạo để được sinh con thứ ba thì bạn sẽ bị kỷ luật do vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình.

- Bạn là Đảng viên: Trường hợp của bạn không thuộc trường hợp không bị kỷ luật nên bạn sẽ bị kỷ luật về Đảng.

- Nếu ly hôn giả tạo, bạn còn có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 20 triệu đồng.

Trên đây là quy định về ly hôn giả để sinh con thứ 3 bị xử lý thế nào? Nếu bạn đang gặp vướng mắc về hôn nhân và gia đình, LuatVietnam sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn thông qua tổng đài 1900.6199.

>> Sinh con thứ 3: Đảng viên, công chức, viên chức cần biết

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục