Lấy Sổ đỏ của người khác đi thế chấp có bị phạt không?

Lấy Sổ đỏ của người khác đi thế chấp tưởng hy hữu nhưng thực chất trong cuộc sống vẫn có trường hợp này xảy ra. Vậy người lấy trộm trong trường hợp này có bị phạt không?


Có được lấy Sổ đỏ của người khác đi thế chấp không?

Hiện pháp luật chỉ cấm việc tự ý lấy Sổ đỏ của người khác đi thế chấp quyền sử dụng đất thể hiện trên Sổ đỏ mà không cấm được thế chấp quyền sử dụng đất của người khác để vay tiền.

Quy định này được nêu tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 07/2019/TT-BTP. Theo đó, việc đăng ký thế chấp cũng được thực hiện trong trường hợp thế chấp để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của bên thế chấp, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự của người khác hoặc của cả bên thế chấp và của người khác.

Có thể hiểu, bên thế chấp sử dụng quyền sử dụng đất của mình để đăng ký thế chấp tại ngân hàng nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ vay tiền của người khác.

Để hiểu cụ thể, có thể tham khảo ví dụ dưới đây:

Ông A và bà B là chủ sở hữu hợp pháp của quyền sử dụng đất tại địa chỉ C, được công nhận trong Sổ đỏ mang tên ông A và bà B. Hai ông bà đã sử dụng quyền sử dụng đất này thế chấp cho ngân hàng D để bảo đảm nghĩa vụ vay vốn cho người con trai của ông, bà là anh E.

Như vậy, ông A và bà B sẽ ký hợp đồng thế chấp với ngân hàng D. Đồng thời, anh E được ngân hàng E cho vay vốn bằng tài sản thế chấp của ông A và bà B.

Tuy nhiên, để việc lấy Sổ đỏ của người khác đi thế chấp hợp pháp thì người vay phải được sự đồng ý của bên thế chấp và chính bên thế chấp phải thực hiện ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất với ngân hàng.

Ngoài ra, Điều 500 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, hợp đồng về quyền sử dụng đất trong đó có hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận của các bên.

Và khoản 1 Điều 317 Bộ luật Dân sự cũng nêu rõ, thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản của mình để đảm bảo cho thực hiện nghĩa vụ mà không nói rõ, nghĩa vụ này phải là của bên thế chấp hay của người khác.

Do đó, hoàn toàn có thể lấy Sổ đỏ của người khác đi thế chấp nếu việc lấy Sổ đỏ này đã được chủ sở hữu của quyền sử dụng đất công nhận trên Sổ đỏ đồng ý và đồng ý ký vào hợp đồng thế chấp với bên thứ ba.

Pháp luật có cho phép được thế chấp bằng Sổ đỏ của người khác không?
Pháp luật có cho phép được thế chấp bằng Sổ đỏ của người khác không? (Ảnh minh hoạ)

Trộm lấy Sổ đỏ của người khác đi thế chấp có bị phạt không?

Việc trộm lấy Sổ đỏ của người khác đi thế chấp thực chất vẫn là hành vi trộm cắp. Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người trộm cắp tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng với hành vi:

- Trộm cắp tài sản.

- Xâm nhập vào nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm của người khác để trộm cắp.

- Chiếm đoạt tài sản hoặc công nhiêm chiếm đoạt tài sản.

- Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác…

Đặc biệt, nếu sử dụng, thế chấp, cầm cố trái phép tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Do đó, nếu một người cố ý lấy Sổ đỏ của người khác để cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất của người khác trái phép thì có thể bị phạt với mức tiền phạt tuỳ vào từng hành vi nêu trên.

Không chỉ bị xử phạt hành chính mà nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội trộm cắp tài sản tại Điều 173 sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự với khung hình phạt sau đây:

Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm:

- Trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 02 - dưới 50 triệu đồng.

- Trộm cắp tài sản người khác dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp:

  • Đã bị phạt hành chính về chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.
  • Đã bị kết án về Tội trộm cắp tài sản hoặc một trong các tội như cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản…, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
  • Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội
  • Tài sản đó là phương tiện kiếm sống của người bị hại và gia đình
  • Di vật, cổ vật

Phạt tù từ 02 - 07 năm:

  • Phạm tội có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp
  • Trộm cắp, chiếm đoạt tài sản từ 50 - dưới 200 triệu đồng
  • Dùng thủ đoạn nguy hiểm, xảo quyệt
  • Hành hung để người phạm tội được tẩu thoát
  • Tài sản là bảo vật quốc gia
  • Người phạm tội tái phạm nguy hiểm

Phạt tù từ 07 - 15 năm tù:

  • Tài sản có giá trị từ 200 - dưới 500 triệu đồng
  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để phạm tội trộm cắp tài sản

Phạt tù từ 12 - 20 năm:

  • Tài sản trộm cắp có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên
  • Lợi dụng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội trộm cắp

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 05 - 50 triệu đồng

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Lấy Sổ đỏ của người khác đi thế chấp có bị phạt không? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để gặp chuyên gia pháp lý.

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục