Vợ hoặc chồng có được định đoạt tài sản chung?
Căn cứ Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, tài sản chung vợ chồng gồm các loại tài sản sau đây:
- Tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập của vợ chồng do lao động, sản xuất, kinh doanh.
- Thu nhập từ hoa lợi, lợi tức của tài sản riêng.
- Tiền thưởng, tiền trúng xổ số, tiền trợ cấp trừ các khoản về ưu đãi người có công với cách mạng, quyền tài sản gắn với nhân thân của vợ, chồng.
- Quyền tài sản với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, chìm đắm, đánh rơi, bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc… mà do vợ, chồng xác lập chung…
Với tài sản chung, vợ chồng có các quyền định đoạt, chiếm hữu cũng như sử dụng theo thoả thuận của hai vợ chồng. Nếu không có thoả thuận thì tài sản chung vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình cũng như thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ, chồng.
Đồng thời, Điều 29 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng khẳng định, vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc tạo lập, chiếm hữu, sở hữu, định đoạt tài sản chung. Do đó, có thể thấy, với tài sản chung của vợ chồng, vợ hoặc chồng không thể lập di chúc với toàn bộ khối tài sản chung này.
Làm sao để lập di chúc đối với tài sản chung vợ chồng?
Như phân tích ở trên, với tài sản chung vợ chồng, một trong hai người vợ chồng không thể tự ý định đoạt (trong đó có việc để lại di chúc với toàn bộ khối tài sản chung vợ chồng) tài sản chung vợ chồng trong đó có định đoạt trong di chúc.
Tuy nhiên, về quyền lập di chúc, Điều 609 và Điều 612 Bộ luật Dân sự có quy định, người để lại di chúc có quyền lập di chúc với phần tài sản riêng của mình hoặc phần tài sản của mình trong tài sản chung với người khác.
Do đó, mặc dù không thể tự định đoạt tài sản chung vợ chồng nhưng nếu có tài sản chung vợ chồng, một trong hai người có thể để lại di chúc với phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng. Theo đó, vợ chồng có thể thực hiện theo các bước sau đây:
1- Thoả thuận hoặc phân chia tài sản chung vợ chồng sau đó để lại di chúc về phần tài sản riêng của mình
Như phân tích ở trên, một người có thể lập di chúc để lại tài sản của mình hoặc phần tài sản của mình trong khối tài sản chung với người khác. Do đó, khi vợ hoặc chồng muốn để lại di chúc đối với tài sản chung thì cần phân rõ phần tài sản riêng của mình là những gì trong khối tài sản chung.
Khi đó, để rõ ràng, cụ thể trong việc phân định tài sản riêng trong khối tài sản chung vợ chồng, vợ, chồng có thể lập thoả thuận về chế độ tài sản hoặc phân chia tài sản chung vợ chồng.
Sau khi thực hiện các thủ tục nêu trên, vợ hoặc chồng hoàn toàn có quyền để lại di chúc với phần tài sản riêng của mình trong khối tài sản chung vợ chồng.
Xem thêm: Thủ tục lập di chúc đơn giản, nhanh chóng nhất
2- Lập di chúc chung vợ chồng
Hiện nay, Bộ luật Dân sự năm 2015 không còn quy định về di chúc chung vợ chồng như Bộ luật Dân sự năm 2005 (đã hết hiệu lực và bị thay thế). Tuy nhiên, mặc dù không còn quy định nhưng hiện pháp luật cũng không cấm lập di chúc chung vợ chồng.
Do đó, để định đoạt tài sản chung vợ chồng, hai vợ chồng có thể lựa chọn lập di chúc chung. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, người thừa kế chỉ được hưởng di sản theo di chúc nếu người lập di chúc chết.
Đồng nghĩa trong trường hợp lập di chúc chung vợ chồng thì chỉ khi cả hai vợ chồng đều đã chết, di chúc đó mới có hiệu lực và những người thừa kế theo di chúc mới thực hiện các thủ tục tiếp theo để hưởng di sản.
Có thể thấy, so với cách làm thứ nhất ở trên, việc lập di chúc chung vợ chồng sẽ có thủ tục, tính chất phức tạp hơn, điều kiện hưởng di chúc cũng khó khăn hơn và nếu xảy ra tranh chấp cũng khó áp dụng luật để giải quyết một cách rõ ràng.
Trên đây là quy định về việc lập di chúc với tài sản chung vợ chồng thế nào? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.