Làm lại khai sinh cho con sau ly hôn có được không?

Sau khi ly hôn, nhiều bậc cha mẹ muốn làm lại giấy khai sinh cho con để không còn liên quan gì đến người còn lại. Tuy nhiên, liệu sau khi ly hôn có được làm lại giấy khai sinh cho con không?

Có được làm lại giấy khai sinh cho con sau khi ly hôn?

Về điều kiện đăng ký lại khai sinh, khoản 1 Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định như sau:

1. Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.

Do đó, theo quy định này, để được đăng ký khai sinh, thì việc khai sinh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Thực hiện đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/01/2016.

- Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất.

- Người yêu cầu đăng ký lại khai sinh còn sống ở thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

Ngoài ra, để thay đổi thông tin trên Giấy khai sinh của con, cha mẹ có thể thực hiện thủ tục thay đổi hộ tịch hoặc cải chính hộ tịch nếu đáp ứng các điều kiện:

- Thay đổi họ, tên đệm, tên người dưới 18 tuổi: Có sự đồng ý của cha mẹ người đó, thể hiện trong Tờ khai, cần sự đồng ý của người đó (nếu từ 09 tuổi trở lên) theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.

- Cải chính hộ tịch (chỉnh sửa thông tin trong Sổ hộ tịch hoặc giấy tờ hộ tịch - bản chính): Có đủ căn cứ về việc có sai sót do lỗi của công chức hộ tịch hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch (khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).

Do đó, có thể thấy, nếu chỉ vì ly hôn mà cha hoặc mẹ muốn thay đổi thông tin hoặc làm lại Giấy khai sinh cho con để không còn liên quan đến người cũ thì không được. Theo quy định, đây không phải lý do để làm lại, cải chính hay thay đổi thông tin trong Giấy khai sinh.


Thủ tục làm lại Giấy khai sinh cho con chi tiết nhất

Mặc dù muốn làm lại Giấy khai sinh cho con sau khi ly hôn không phải là nguyên nhân để được cấp lại Giấy khai sinh mà chỉ có các điều kiện nêu tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP mới là các lý do để công chức hộ tịch làm thủ tục cấp lại Giấy khai sinh cho người yêu cầu.

Theo đó, thủ tục làm lại Giấy khai sinh được thực hiện như sau:

Hồ sơ chuẩn bị

Căn cứ Điều 26 Nghị định 123 năm 2015, hồ sơ làm lại Giấy khai sinh gồm:

- Tờ khai đăng ký lại khai sinh. Đặc biệt, trong Tờ khai này phải nêu rõ cam đoan về việc đã đăng ký khai sinh nhưng không còn giữ bản chính Giấy khai sinh của người yêu cầu đăng ký lại khai sinh.

- Giấy tờ liên quan đến các thông tin về nội dung khai sinh (bản sao):

+ Giấy khai sinh (bản sao) hoặc giấy tờ thay thế Giấy khai sinh được cấp trước năm 1945 ở miền Bắc và trước 1975 ở miền Nam.

+ Nếu không có các giấy tờ ở trên, người yêu cầu có thể sử dụng Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc hộ chiếu; sổ hộ chiếu, sổ tạm trú hoặc giấy tờ chứng minh cư trú; bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, học bạ; giấy tờ khác có thông tin về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của cá nhân…

Đặc biệt, riêng cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang ngoài các giấy tờ nêu trên thì còn phải có Văn bản xác nhận của Thủ trưởng về những nội dung khai sinh của người đó: Họ, tên, chữ đệm, giới tính, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quốc tịch, quê quán… mà cơ quan đó đang quản lý.

Cơ quan thực hiện

- Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã nơi đã khai sinh trước đây hoặc nơi người yêu cầu thường trú.

- Có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền là UBND cấp huyện nơi đăng ký khai sinh trước đây. Nếu trước đây thực hiện ở cấp xã thì do UBND cấp huyện cấp trên của cấp xã này thực hiện. Nếu trước đây đăng ký ở cấp tỉnh hoặc Sở Tư pháp thì đăng ký lại khai sinh ở UBND cấp huyện nơi cư trú của người yêu cầu.

Đặc biệt, nếu người yêu cầu không sống ở Việt Nam thì thẩm quyền cấp lại do UBND cấp huyện nơi có trụ sở hiện nay của Sở Tư pháp thực hiện.

Thời gian giải quyết

- Hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, công chức tư pháp không phải xác minh: 05 ngày làm việc.

- Cần phải xác minh: Hiện không có quy định cụ thể thời gian giải quyết trong trường hợp này là bao nhiêu ngày nhưng phải thực hiện các bước sau đây:

+ Xác minh hồ sơ: 05 ngày làm việc. Trong thời gian này, nếu đăng ký lại tại nơi không khai sinh trước đây thì công chức tư pháp nơi nhận hồ sơ phải có văn bản đề nghị UBND nơi đăng ký trước đây xác minh, kiểm tra.

+ UBND nơi đã đăng ký trước đây sau khi nhận được văn bản đề nghị thì tiến hành kiểm tra, xác minh, trả lời về việc còn lưu giữ hoặc không Sổ hộ tịch: 05 ngày làm việc.

+ Nếu hồ sơ đủ sau khi nhận được xác minh về việc không giữ Sổ hộ tịch của UBND nơi đăng ký khai sinh trước đây, UBND nơi nhận hồ sơ đăng ký lại khai sinh: 03 ngày làm việc.

Lệ phí, phí phải nộp

Theo khoản 2 Điều 11 Luật Hộ tịch, đăng ký lại khai sinh thuộc trường hợp phải nộp lệ phí. Trong đó, lệ phí hộ tịch theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Có thể kể đến mức lệ phí đăng ký lại khai sinh tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh như sau:

- Tại TP. Hà Nội: 5.000 đồng/việc thực hiện tại UBND cấp xã và 50.000 đồng/việc tại UBND cấp huyện (Theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND).

- Tại TP. Hồ Chí Minh: Tương tự như TP. Hà Nội theo quy định tại Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND.

Trên đây là giải đáp về vấn đề: Làm lại khai sinh cho con sau ly hôn có được không? Nếu còn vướng mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.