Không nộp kèm chứng cứ, Tòa vẫn giải quyết đơn khởi kiện?

Thông thường, khi gửi đơn khởi kiện, đương sự phải gửi kèm tài liệu chứng minh yêu cầu của mình có căn cứ. Vậy khi nào không gửi kèm chứng cứ, Tòa vẫn thụ lý giải quyết?

Tài liệu gửi kèm đơn khởi kiện là bắt buộc?

Khởi kiện là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp gửi đơn lên Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước.

(Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Theo đó, để Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của mình, đương sự phải gửi đơn khởi kiện đến Tòa án. Trong đó, để không bị trả lại đơn thì đơn khởi kiện bắt buộc phải có các nội dung:

- Ngày tháng năm làm đơn;

- Tên Tòa án nhận đơn;

- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền và lợi ích được bảo vệ…

- Những nội dung cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết …

- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện…

Theo đó, việc gửi kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện là yêu cầu bắt buộc.

Nếu không thể nộp được đầy đủ các tài liệu, chứng cứ này thì phải có lý do khách quan. Khi đó, phải nộp hết tất cả những gì đang có và trong quá trình giải quyết vụ án phải nộp bổ sung theo yêu cầu của Tòa án.


Không gửi kèm chứng cứ, Tòa vẫn thụ lý giải quyết đơn khởi kiện? (Ảnh minh họa)


Không nộp kèm chứng cứ, Tòa án vẫn giải quyết đơn khởi kiện?

Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định, đương sự yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình có trách nhiệm thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ.

Tuy nhiên, có một số trường hợp, đương sự không có nghĩa vụ phải chứng minh như:

- Người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhưng phải cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. (Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010);

- Tổ chức, xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

- Người lao động khởi kiện khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, xử lý kỷ luật trái luật thì không phải chứng minh mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về người sử dụng lao động …

(Căn cứ Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

Trong những trường hợp này, đương sự khi nộp đơn khởi kiện không có nghĩa vụ phải chứng minh nội dung, yêu cầu khởi kiện của mình. Nếu có thêm tài liệu, giấy tờ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì nộp kèm theo.


Sự kiện trong văn bản công chứng không cần phải chứng minh (Ảnh minh họa)

04 sự kiện không cần phải chứng minh trong dân sự

Khi khởi kiện vụ án dân sự, đương sự còn không phải chứng minh trong 04 tình tiết, sự kiện sau đây:

- Tình tiết, sự kiện khách quan, rõ ràng mà ai cũng đều biết và được Tòa án thừa nhận;

- Tình tiết, sự kiện đã được xác định trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa hoặc của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

- Tình tiết, sự kiện trong văn bản công chứng, chứng thực;

- Tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn được một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối;

Lưu ý: Nếu đương sự có người đại diện thì sự đồng ý của người đại diện được coi là sự thừa nhận của đương sự trong phạm vi đại diện.

Như vậy, không phải lúc nào đương sự cũng có nghĩa vụ phải chứng minh yêu cầu của mình. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì nên cung cấp tất cả những chứng cứ, tài liệu mà mình có.

>> Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: 10 điểm cần lưu ý khi khởi kiện mới nhất 2019

Nguyễn Hương

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.