Khi nào tài sản thừa kế được chia lại?

Di sản thừa kế sẽ được chia tại thời điểm người để lại di sản chết. Và một trong những vấn đề mà rất nhiều người quan tâm đó là trong trường hợp di sản đã được chia thì có được yêu cầu chia lại không?


Chỉ được chia thừa kế trong 30 năm?

Theo Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015, thời hiệu là thời hạn mà nếu hết thời hạn đó sẽ phát sinh hậu quả pháp lý với chủ thể theo điều kiện quy định.

Có thể hiểu đơn giản, thời hiệu là thời hạn được xác định bằng năm mà một người được hưởng quyền dân sự, miễn trừ nghĩa vụ dân sự, khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Hết thời hạn này sẽ không còn được giải quyết.

Đặc biệt, thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự chỉ có hiệu lực trong khoảng thời gian quy định. Nếu hết thời hạn đó thì người được áp dụng thời hiệu cũng mất quyền khởi kiện hoặc quyền yêu cầu.

Riêng vấn đề thừa kế, thời hiệu được quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự, thuộc trường hợp yêu cầu giải quyết việc dân sự. Theo đó, khoảng thời hạn này được quy định cụ thể như sau:

- Với yêu cầu chia di sản là bất động sản: Thời hiệu là 30 năm;

- Với động sản: Thời hiệu là 10 năm.

Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

Đồng thời, kể từ thời điểm mở thừa kế, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế; để thực hiện nghĩa vụ tài sản của người chết để lại là 03 năm.

Như vậy, không phải mọi trường hợp thời hiệu chia thừa kế đều là 30 năm. Chỉ trong trường hợp di sản là bất động sản thì thời hiệu áp dụng là 30 năm còn khi di sản là động sản thì thời hiệu chia thừa kế chỉ có 10 năm.

Xem thêm: Khi nào được chia di sản thừa kế?

chia lại tài sản thừa kế

Khi nào được chia lại tài sản thừa kế? (Ảnh minh họa)

Chỉ có 1 trường hợp được phép chia thừa kế lại?

Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết”. Kể từ thời điểm này, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

Vậy với một số trường hợp như đã chia thừa kế nhưng có người thừa kế mới, có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế, tìm được di chúc… thì giải quyết thế nào?

Trong các trường hợp “ngoài ý muốn” này, ngoài việc thực hiện theo thỏa thuận, Bộ luật Dân sự quy định cụ thể như sau:

- Có người thừa kế mới: Không thực hiện phân chia lại di sản bằng hiện vật nhưng những người đã nhận di sản phải thanh toán cho người thừa kế mới một khoản tiền tương ứng với phần di sản người đó được hưởng tại thời điểm chia thừa kế (khoản 1 Điều 662);

- Có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế: Người bị bác bỏ quyền thừa kế phải trả lại di sản hoặc thanh toán một khoản tiền tương đương với giá trị di sản được hưởng tại thời điểm chia thừa kế (khoản 2 Điều 662);

- Tìm thấy di chúc: Trong thời hiệu yêu cầu chia di sản, nếu người thừa kế theo di chúc yêu cầu thì phải chia lại theo di chúc (Điều 642).

Như vậy, có thể thấy, chỉ có trong thời hiệu thừa kế, di sản đã chia nhưng sau đó tìm thấy di chúc và người được hưởng theo di chúc có yêu cầu thì sẽ thực hiện chia lại theo di chúc đó.

>> Infographic: Hướng dẫn phân chia di sản thừa kế

Nguyễn Hương

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục