Thủ tục khai sinh cho con với người đã có gia đình

Hiện nay, tình trạng ngoại tình diễn ra ngày càng nhiều. Trong đó, có không ít trường hợp thậm chí còn có con chung. Vậy khi đó, đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp này khai sinh thế nào?


Sinh con cho người đang có vợ, có khai sinh được không?

Câu hỏi: Hiện nay, em trót có con với một anh đang có vợ thì con em sinh ra có được khai sinh không ạ?

LuatVietnam xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Theo Điều 30 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền của cá nhân về khai sinh được quy định như sau:

1. Cá nhân từ khi sinh ra có quyền được khai sinh.

[…]

3. Trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.

Từ quy định này có thể thấy, việc khai sinh là quyền của cá nhân có được kể từ khi sinh ra kể cả trẻ em chỉ sống được 24 giờ trước khi sinh cũng phải được khai sinh. Chỉ trường hợp sống không được 24 tiếng thì có thể được khai sinh theo yêu cầu của cha, mẹ đẻ.

Đồng thời, Điều 15 Luật Hộ tịch cũng quy định, cha, mẹ phải có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con. Không chỉ vậy, để nêu cao trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ, khoản 2 Điều 15 Luật Hộ tịch còn nêu rõ:

Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.

Có thể thấy, khai sinh cho trẻ không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân ngay sau khi được sinh ra mà còn là trách nhiệm của cha, mẹ hoặc ông, bà, người thân thích, cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ thậm chí cả công chức tư pháp, hộ tịch.

Do đó, với tình huống của bạn, mặc dù bạn có con với người đã có gia đình, tuy nhiên, quyền được khai sinh là quyền cơ bản của con bạn. Do đó, trường hợp của bạn, con bạn vẫn được đăng ký khai sinh theo quy định.


Có cấm khai sinh cho con chỉ mang họ mẹ?

Câu hỏi: LuatVietnam cho em hỏi, em có con với người khác nhưng hiện anh ấy đang có vợ nên không muốn con mang họ của anh ấy cũng như không muốn đứng ra nhận con. Vậy em chỉ khai sinh cho con mang mình họ của em có được không ạ? Em cảm ơn ạ.

Với câu hỏi của bạn, LuatVietnam xin trả lời như sau:

Theo phân tích ở trên, dù bạn sinh con với người đã có gia đình và người cha chối bỏ trách nhiệm, không muốn khai sinh cho con bạn thì bạn hoàn toàn có quyền tự mình đi đăng ký khai sinh cho con.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, con bạn sẽ được khai sinh theo diện chưa xác định được cha. Theo đó, thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ thuộc diện chưa xác định được cha thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

* Giấy tờ cần nộp (căn cứ khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tích):

- Tờ khai đăng ký khai sinh;

- Giấy chứng sinh. Nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh. Nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.

* Giấy tờ cần xuất trình: Căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, giấy tờ bạn cần xuất trình là bản chính một trong các giấy tờ: Hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về thân nhân.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Tại Điều 3 Nghị định 123/2015, khi đi đăng ký khai sinh, bạn có thể nộp trực tiếp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Số lượng: 01 bộ.

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ đang cư trú (Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 123/2015).

Bước 3: Thực hiện khai sinh

Ngay sau khi nhận được đầy đủ giấy tờ nêu trên, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ, phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào Sổ hộ tịch, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân.

Về nội dung đăng ký khai sinh, khoản 1 Điều 14 Luật Hộ tịch quy định gồm: Thông tin của trẻ như họ, chữ đệm, tên, giới tính, ngày tháng, năm sinh, nơi sinh, quê quán, dân tộc, quốc tịch; thông tin về cha, mẹ của trẻ; số định danh cá nhân.

Trong đó, với trường hợp chưa xác định được cha thì khoản 2 Điều 16 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP nêu rõ:

Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

Bước 4: Nhận giấy khai sinh

Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy khai sinh cho trẻ.

khai sinh cho con sinh voi nguoi da co gia dinh
Khai sinh cho con sinh với người đã có gia đình thế nào? (Ảnh minh họa)


Khi nào được khai sinh có đủ cả tên cha và mẹ?

Câu hỏi: Em mới sinh bé, chuẩn bị đi khai sinh cho con thì mới phát hiện cha của con em đã có vợ ở quê. Vậy giờ em muốn khai sinh cho con có đủ cả tên cha và mẹ được không ạ? Vì bọn em chưa đăng ký kết hôn. Em cảm ơn.

LuatVietnam xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Vì bạn và người yêu chưa đăng ký kết hôn, thậm chí anh ta còn đang có vợ thì con bạn vẫn được khai sinh nhưng sẽ được khai sinh theo diện không xác định được cha, mẹ. Khi đó, nếu bạn đi khai sinh thì phần tên cha trong giấy khai sinh của con bạn sẽ để trống theo phân tích ở trên.

Tuy nhiên, nếu muốn để con có cả cha và mẹ trong giấy khai sinh thì khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015 hướng dẫn đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ quy định:

Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này

Theo đó, nếu tại thời điểm khai sinh mà người cha yêu cầu làm thủ tục nhận cha, mẹ, con thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh. Khi đó, con bạn đã được nhận cha và đồng thời được đăng ký khai sinh có tên người cha vừa nhận luôn.

Trường hợp này Ủy ban nhân dân xã sẽ kết hợp thực hiện 02 thủ tục nhận cha, mẹ, con và thủ tục đăng ký khai sinh. Do đó, trong giấy khai sinh sẽ có đầy đủ cả tên của cha và mẹ.


Thêm tên cha vào khai sinh của con ngoài giá thú thế nào?

Câu hỏi: Tôi nghe nói mặc dù có con ngoài giá thú nhưng tôi vẫn có thể thêm tên mình vào phần tên cha trong giấy khai sinh của con tôi đúng không ạ? Vậy tôi phải thêm như thế nào?

LuatVietnam trả lời như sau:

Theo khoản 3 Điều 15 Nghị định 123/2015, tại thời điểm làm khai sinh cho trẻ nếu bạn đồng thời nhận cha, con thì con bạn sẽ được khai sinh có đầy đủ cả tên cha và tên mẹ. Khi đó, Ủy ban nhân dân xã sẽ thực hiện cùng lúc 02 thủ tục là đăng ký khai sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 04/2020/TT-BTP, hồ sơ gồm:

- Tờ khai đăng ký khai sinh, tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con;

- Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay thế giấy chứng sinh;

- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ con: Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con như xét nghiệm AND…

Nếu không có các chứng cứ này thì lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con và có ít nhất 02 người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con (căn cứ Điều 14 Thông tưu 04/2020 của Bộ Tư pháp).

Bước 2: Thực hiện nhận cha con và đăng ký khai sinh

Người đăng ký khai sinh và nhận cha con đồng thời nộp 02 tờ khai nêu trên và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ (theo khoản 1 Điều 15 Thông tư 04/2020).

Sau khi nhận đủ hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch nội dung khai sinh và việc nhận cha con.

Đồng thời, cán bộ tư pháp, hộ tịch cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký khai sinh cùng ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Ngoài ra, nội dung khai sinh còn được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

Trường hợp cần phải xác minh về việc đăng ký nhận cha con thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.

Đặc biệt lưu ý: Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

Bước 3: Trả kết quả

Giấy khai sinh và Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con được cấp đồng thời cho người yêu cầu.


Có con với người đã có vợ/chồng bị phạt thế nào?

Câu hỏi: Vì dại dột, em trót có con với một anh đang có vợ. Mà nghe nói, trường hợp của em sẽ bị phạt rất nặng. Vậy anh chị cho em hỏi, em bị phạt thế nào ạ?

Câu hỏi này, LuatVietnam xin trả lời như sau:

Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình được pháp luật tôn trọng, bảo vệ nêu tại khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) như sau:

Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.

Đồng thời, việc người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ là hành vi bị nghiêm cấm nêu tại Điều 5 Luật HN&GĐ.

Theo đó, trường hợp của bạn là có con với người đang có gia đình thì bị xử phạt như sau:

Phạt hành chính: Căn cứ khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82 năm 2020, bạn sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng do:

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.

Chịu trách nhiệm hình sự

Nếu bạn là người đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có vợ thì căn cứ vào Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, bạn sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm nếu:

- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Đặc biệt, bạn sẽ bị phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

- Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Vì bạn không nói rõ là bạn đã có chồng chưa nên căn cứ vào tình huống cụ thể sẽ bị phạt tương ứng các mức nêu trên.

Trên đây là quy định về việc khai sinh cho con với người đã có gia đình. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900 6192 để được tư vấn, giải đáp.

>> Hướng dẫn đăng ký khai sinh, kết hôn trực tuyến từ ngày 15/9/2020

Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là bao nhiêu tuổi? Các quy định liên quan tuổi vị thành niên

Tuổi vị thành niên là giai đoạn trẻ em có sự thay đổi rõ ràng trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc. Vậy độ tuổi nào được xem là trẻ vị thành niên? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết dưới đây nhé.