Kết hôn trái pháp luật là gì? Gồm các trường hợp nào?

Nam, nữ khi kết hôn phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật. Nếu không đáp ứng một trong các điều kiện kết hôn thì được xem là kết hôn trái pháp luật. Vậy kết hôn trái pháp luật là gì? Gồm các trường hợp nào?

1. Kết hôn trái pháp luật là gì? Gồm các trường hợp nào?

Kết hôn trái pháp luật là gì? Gồm các trường hợp nào?
Kết hôn trái pháp luật là gì? Gồm các trường hợp nào? (Ảnh minh hoạ)

Kết hôn trái pháp luật được định nghĩa cụ thể tại khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13, theo đó kết hôn trái pháp luật được hiểu là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn ở cơ quan có thẩm quyền nhưng một trong hai bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định nêu tại Điều 8 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Dẫn chiếu đến Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, có thể xác định các trường hợp kết hôn trái pháp luật gồm có:

- Không đủ tuổi kết hôn (cụ thể độ tuổi được phép kết hôn là: Nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi).

- Kết hôn mà một trong hai bên hoặc cả hai bên không tự nguyện quyết định.

- Một trong hai bên hoặc cả hai bên bị mất năng lực hành vi dân sự.

- Kết hôn giả tạo.

- Tảo hôn, cưỡng ép việc kết hôn hoặc lừa dối, cản trở kết hôn.

- Người đang có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng.

- Những người có mối quan hệ sau đây kết hôn với nhau: Cùng dòng máu trực hệ, cha mẹ nuôi với con nuôi, có họ trong phạm vi ba đời, mẹ vợ với con rể hoặc cha chồng với con dâu, mẹ kế với con riêng của chồng hoặc cha dượng với con riêng của vợ.

Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp vi phạm nêu trên thì sẽ bị xem là kết hôn trái pháp luật.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng khẳng định Nhà nước ra không thừa nhận hôn nhân đồng giới.

2. Ai có quyền yêu cầu Toà án huỷ kết hôn trái pháp luật?

Căn cứ theo Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, người có quyền yêu cầu Toà án huỷ việc kết hôn trái pháp luật gồm có:

- Người bị cưỡng ép/lừa dối kết hôn có quyền tự mình hoặc đề nghị cá nhân/tổ chức tại khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 yêu cầu Toà án huỷ bỏ việc kết hôn trái pháp luật.

- Các cá nhân/cơ quan/tổ chức gồm:

  • Vợ/chồng của người đang có vợ, chồng mà kết hôn với người khác; cha/mẹ/con/người giám hộ/người đại diện pháp luật của người kết hôn trái pháp luật.

  • Cơ quan quản lý của nhà nước về trẻ em hoặc cơ quan quản lý của nhà nước về gia đình.

  • Hội liên hiệp phụ nữ.

- Các cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức khác phát hiện thấy việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức nêu trên (cơ quan quản lý của nhà nước về trẻ em/gia đình; hội liên hiệp phụ nữ) yêu cầu Toà án huỷ bỏ việc kết hôn trái pháp luật.

Ai có quyền yêu cầu Toà án huỷ kết hôn trái pháp luật?
Ai có quyền yêu cầu Toà án huỷ kết hôn trái pháp luật? (Ảnh minh hoạ)

3. Trường hợp nào được công nhận là vợ chồng khi kết hôn trái luật?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 việc kết hôn trái pháp luật vẫn có thể được công nhận là vợ chồng, cụ thể như sau:

Trường hợp tại thời điểm Toà án giải quyết yêu cầu về việc huỷ kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên đã đủ các điều kiện kết hôn theo các quy định nêu tại Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Đồng thời cả hai bên đều yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân này thì Toà án sẽ công nhận mối quan hệ hôn nhân đó. Đối với trường hợp này, quan hệ hôn nhân của các bên sẽ được xác lập từ khi đáp ứng đầy đủ điều kiện kết hôn.

Như vậy, có thể thấy rằng, Toà án khi giải quyết hủy kết hôn trái pháp luật vẫn có thể công nhận là vợ chồng khi đáp ứng 02 điều kiện là:

- Cả hai bên đều đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn.

- Cả hai bên đều có yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân.
Dưới đây là phân tích một số trường hợp cụ thể để bạn đọc có thể hình dung rõ hơn:

*Trường hợp kết hôn mà vi phạm về độ tuổi:

Theo điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, điều kiện về độ tuổi để kết hôn đối với năm là từ đủ 20 tuổi, đối với nữ là từ đủ 18 tuổi.

Việc xác định đủ độ tuổi được tính theo ngày, tháng, năm sinh. Ví dụ: nữ sinh ngày 10/02/1998 thì đến ngày 10/02/2016 mới đủ 18 tuổi.

Như vậy, tại thời điểm Tòa giải quyết huỷ kết hôn trái pháp luật mà nam và nữ đều đã đủ tuổi và cùng có yêu cầu Tòa công nhận quan hệ hôn nhân thì hai người này vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp tính từ thời điểm cả hai đều đã đủ tuổi theo Luật định.

*Trường hợp lừa dối/cưỡng ép kết hôn:

Đối với trường hợp này đã được Hội đồng Thẩm phán hướng dẫn cụ thể tại điểm d.2 khoản d Điều 2 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP

Theo đó, sau khi bị ép buộc/lừa dối/cưỡng ép mà bên bị ép buộc/lừa dối/cưỡng ép đã biết và thông cảm, tiếp tục chung sống hoà thuận với bên kia thì Toà án không huỷ việc kết hôn trái pháp luật.

Vì vậy, trong trường hợp này, dù việc kết hôn trái pháp luật nhưng vẫn không bị huỷ việc kết hôn và vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng hợp pháp nếu như đáp ứng điều kiện nêu trên.

*Trường hợp kết hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 thì khi không còn căn cứ tuyên bố một người là mất năng lực hành vi dân sự thì khi Toà án  nhận  được yêu cầu, sẽ ra quyết định về việc huỷ bỏ tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự đối với người đó.

Như vậy, đối với trường hợp này, nếu người mất năng lực hành vi dân sự được Tòa ra quyết định về việc huỷ bỏ quyết định tuyên bố bị mất năng lực hành vi dân sự và đáp ứng điều kiện để kết hôn khác thì sẽ được công nhận là vợ chồng hợp pháp.

Tóm lại, nam nữ khi kết hôn trái pháp luật thì tại thời điểm Tòa giải quyết kết hôn trái pháp luật nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn và hai bên đều yêu cầu Tòa án công nhận thì Toà án vẫn công nhận quan hệ hôn nhân của những người này.

4. Kết hôn trái luật bị phạt thế nào?

Căn cứ Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu có một trong các hành vi:

  • Đang có vợ/chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ/chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ đã có vợ/chồng.

  • Kết hôn giữa người đã từng là cha mẹ nuôi và con nuôi; giữa cha chồng và con dâu; giữa mẹ vợ và con rể, giữa cha dượng với con riêng của vợ và giữa mẹ kế với con riêng của chồng.

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi:

  • Kết hôn với người có cùng dòng máu trực hệ.

  • Kết hôn với người có họ trong phạm vi 03 đời.

  • Kết hôn giữa cha/mẹ nuôi với con nuôi/

Bên cạnh đó, tại Điều 38 Nghị định 82/2020/NĐ-CP cũng quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi sau:

- Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng nếu có hành vi sửa chữa, tẩy xóa hay làm sai lệch nội dung của giấy tờ được cơ quan thẩm quyền cấp để làm thủ tục kết hôn.

- Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu có một trong các hành vi dưới đây:

  • Cho người khác sử dụng giấy tờ của người mình để làm thủ tục kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác làm thủ tục kết hôn.

  • Cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan sai sự thật về tình trạng hôn nhân của mình để kết hôn.

Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục là: Kiến nghị cơ quan thẩm quyền xem xét và xử lý giấy chứng nhận kết hôn đã được cấp, giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa hay sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Trường hợp hành vi vi phạm quy định về kết hôn mà có dấu hiệu tội phạm thì người vi phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, cụ thể:

- Tội cưỡng ép kết hôn/cản trở hôn nhân tự nguyện và tiến bộ (bằng cách hành hạ, ngược đãi hay uy hiếp về mặt tinh thần/thủ đoạn khác; và đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm): Bị phạt cảnh cáo; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ 03 tháng - 03 năm (theo quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015).

- Tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ/một chồng:

  • Hành vi này làm cho quan hệ hôn nhân của một/hai bên phải ly hôn hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính mà còn vi phạm: Bị phạt cảnh cáo; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ 03 tháng - 01 năm (theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015).

  • Hành vi này làm cho vợ/chồng/con của một trong hai bên tự sát hoặc đã có quyết định huỷ kết hôn của Toà mà vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ: Bị phạt cảnh cáo; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ 03 tháng - 01 năm (theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015).

- Tội tổ chức tảo hôn (hành vi tổ chức lấy vợ/chồng khi chưa đến tuổi, đã bị xử phạt vi phạm mà còn tiếp tục vi phạm): Bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ cho đến 02 năm (theo quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự 2015).

Trên đây là những thông tin về Kết hôn trái pháp luật là gì? Gồm các trường hợp nào?
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục