Mọi hợp đồng đều phải có quốc hiệu, tiêu ngữ?

Với một số loại hợp đồng, hình thức của hợp đồng là một trong những yêu cầu bắt buộc. Vậy liệu có phải mọi hợp đồng đều phải có tiêu ngữ, quốc hiệu hay không?


Văn bản nào bắt buộc có tiêu ngữ, quốc hiệu?

Quốc hiệu, tiêu ngữ là một trong những thành phần chính của văn bản hành chính theo khoản 2 Điều 8 Nghị định 30/2020/NĐ-CP. Trong đó, văn bản hành chính là văn bản hình thành trong quá trình chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc của các cơ quan, tổ chức.

Cụ thể:

- Quốc hiệu “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”: Trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ từ 12 - 13, kiểu chữ đứng, đậm và ở phía trên cùng, bên phải trang đầu tiên của văn bản.

- Tiêu ngữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”: Trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 13 - 14, kiểu chữ đứng, đậm và được canh giữa dưới Quốc hiệu.

Cũng tại Điều 2 Nghị định 30/2020, đối tượng áp dụng quy định nêu trên là: cơ quan, tổ chức Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

Có thể thấy, quốc hiệu, tiêu ngữ là hai trong số những thành phần chính trong văn bản hành chính của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước; tổ chức chính trị, chính trị xã hội, tổ chức xã hội…

hop dong bat buoc phai co quoc hieu
Mọi hợp đồng bắt buộc phải có quốc hiệu, tiêu ngữ? (Ảnh minh họa)

Không có tiêu ngữ, quốc hiệu, hợp đồng có bị vô hiệu?

Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo đó, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể (căn cứ Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Đặc biệt, nếu Luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Đồng thời, về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, Điều 117 Bộ luật này khẳng định:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Như vậy, hình thức của hợp chỉ là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực nếu Luật có quy định. Hiện nay, tại các văn bản pháp luật khác không có yêu cầu hợp đồng phải bắt buộc có quốc hiệu, tiêu ngữ. Do đó, việc hợp đồng không có quốc hiệu, tiêu ngữ không phải điều kiện làm hợp đồng vô hiệu.

Ngoài ra, căn cứ Điều 129 Bộ luật Dân sự, giao dịch dân sự vi phạm quy định về hình thức sẽ bị vô hiệu trừ 02 trường hợp sau đây:

- Hợp đồng không đúng quy định của Luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ thì nếu có yêu cầu (một bên hoặc các bên), Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;

- Hợp đồng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Khi đó, các bên không phải công chứng, chứng thực.

Căn cứ các quy định này, việc không có tiêu ngữ, quốc hiệu không phải điều kiện để hợp đồng vô hiệu. Do đó, khi hợp đồng không có quốc hiệu, tiêu ngữ nhưng nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì hợp đồng đó vẫn sẽ có hiệu lực.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ.

>> Hợp đồng công chứng chỉ điểm chỉ thì có hiệu lực không?

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục