Hợp đồng là gì? Điều kiện để hợp đồng có hiệu lực

Khi thoả thuận thực hiện bất kỳ một giao dịch nào, các bên thường lựa chọn lập hợp đồng để ghi nhận lại những thoả thuận đó. Vậy hợp đồng là gì? Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.

1. Hợp đồng là gì?

1.1 Khái niệm

Hợp đồng là một dạng thể hiện sự thoả thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt, huỷ bỏ quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia (căn cứ định nghĩa được quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Theo Wikipedia, hợp đồng là cam kết của hai hoặc nhiều pháp nhân để thực hiện hoặc không thực hiện một việc nào đó trong khuôn khổ pháp luật.

Trong thực tế, hợp đồng thường gặp ở các quan hệ mua bán tài sản, trong quan hệ lao động… đây được coi như bằng chứng ghi lại những thoả thuận của các bên về các nội dung trong hợp đồng.

Khái niệm hợp đồng là gì
Khái niệm hợp đồng là gì theo quy định của Luật? (Ảnh minh hoạ)

1.2 Hợp đồng tiếng Anh là gì?

Trong tiếng Anh, hợp đồng được gọi là Contract mang nghĩa là một thoả thuận pháp lý, giữa hai công ty hoặc giữa hai cá nhân với nhau. Trong tiếng Anh, một bản hợp đồng được định nghĩa như sau:

A contract is an agreement that specifies certain legally enforceable rights and obligations pertaining to two or more mutually agreeing parties.

(theo Wikipedia tiếng Anh).

1.3 Khi nào cần giao kết hợp đồng?

Thời điểm cần giao kết hợp đồng là căn cứ vào nhu cầu của các bên. Thông thường, khi các bên phát sinh thoả thuận về một vấn đề nào đó trong đời sống, việc giao kết hợp đồng là điều cần thiết khi hợp đồng được xem là một “dấu ấn” ghi lại những thoả thuận này của các bên.

Theo đó, các bên có thể căn cứ vào nội dung thoả thuận ban đầu hoặc những sửa đổi, bổ sung sau đó để giải quyết tranh chấp hoặc lấy đó làm căn cứ để thực hiện quyền, nghĩa vụ xung quanh vấn đề thoả thuận.

Ngay khi có đề nghị giao kết hợp đồng, các bên có thể dự thảo hợp đồng hoặc lập hợp đồng cụ thể với đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, thông tin cần thiết theo thoả thuận của các bên.

Trong đó, đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện ý định ký kết hợp đồng và chịu ràng buộc về lời đề nghị này.

Có thể hiểu đơn giản như sau, khi một trong các bên đề nghị giao kết hợp đồng thì ngay tại thời điểm xác định thoả thuận hoặc khi các bên thực hiện công chứng hợp đồng, đề nghị giao kết hợp đồng đặt cọc đã được xác định.

Nếu trong đề nghị này có nêu thời hạn trả lời mà trong thời gian này, người đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba thì phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại nếu có thiệt hịa xảy ra.

Ví dụ đơn giản: Ông A và ông B đề nghị giao kết với nhau về việc ông A bán chiếc xe ô tô mang biển số 29Axxxxx cho ông B với giá là 500 triệu đồng. Tuy nhiên, trước đó, hai ông có giao kết hợp đồng đặt cọc với nội dung: Ông B đặt cọc cho ông A số tiền là 100 triệu đồng. Trong thời gian 02 tháng, ông A sẽ phải giao toàn bộ giấy tờ xe và thực hiện hợp đồng mua bán với ông B. Tuy nhiên, hợp đồng đặt cọc mới diễn ra được 01 tháng thì ông A đã thực hiện việc mua bán xe ô tô với ông C. Do đó, ông A đã vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và phải trả lại cọc cho ông B cũng như bồi thường thiệt hại nếu ông B có thiệt hại phát sinh.

Giao kết hợp đồng là thủ tục thường gặp trong cuộc sống hằng ngày
Giao kết hợp đồng là thủ tục thường gặp trong cuộc sống hằng ngày (Ảnh minh hoạ)

2. Các loại hợp đồng phổ biến gồm những gì?

Hiện nay, trong đời sống, phổ biến gồm có những loại hợp đồng gì? Căn cứ Bộ luật Dân sự và trong thực tiễn, hiện nay, có các loại hợp đồng phổ biến như sau:

Hợp đồng mua bán tài sản: Hợp đồng này là sự thoả thuận của các bên về việc một bên bán tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc tài sản mà người đó có quyền bán, một bên là bên mua, trả tiền để được chuyển quyền sở hữu tài sản đó (căn cứ Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Ví dụ: Hợp đồng mua bán ô tô; hợp đồng mua bán căn hộ chung cư; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Hợp đồng tặng cho tài sản: Đây là loại hợp đồng mà các bên thoả thuận, bên có tài sản tặng tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc thuộc quyền định đoạt của mình cho người khác, bên nhận tài sản đồng ý nhận tài sản đó và các bên tặng cho không yêu cầu đền bù (căn cứ Điều 457 Bộ luật Dân sự).

Tuy nhiên, song song với hợp đồng tặng cho không có điều kiện thì còn tồn tại loại hợp đồng tặng cho có điều kiện. Theo đó, bên nhận tặng cho muốn được sở hữu tài sản do bên tặng cho tặng thì phải thực hiện một/nhiều nghĩa vụ trước/sau khi nhận tặng cho.

Ví dụ: Hợp đồng tặng cho tài sản thường gặp nhất là hợp đồng tặng cho nhà, đất giữa cha mẹ với con, anh chị em ruột với nhau hoặc hợp đồng tặng cho tiền giữa cá nhân với cá nhân…

Hợp đồng vay tiền: Đây cũng là một trong những loại hợp đồng phổ biến hiện nay. Trong cuộc sống, không ít trường hợp các bên phải vay mượn tài sản (tiền, vật…) của nhau. Thoả thuận vay mượn này được quy định cụ thể trong hợp đồng vay tài sản.

Theo đó, căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự, hợp đồng vay tài sản được hiểu là loại hợp đồng mà bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn theo thoả thuận, bên vay phải trả lại tài sản đó cho bên cho vay kèm theo lãi nếu các bên thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

Ví dụ: Hợp đồng thường gặp nhất trong trường hợp này là hợp đồng vay tiền có lãi suất hoặc không có lãi suất, hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng (hoặc tổ chức tín dụng) với khách hàng vay vốn…

Hợp đồng thuê tài sản: Tiếp tục là một trong những loại hợp đồng phổ biến trong đời sống hằng ngày. Hợp đồng thuê tài sản là loại hợp đồng ghi lại thoả thuận của các bên:

- Bên cho thuê giao tài sản của mình cho bên thuê trong một khoảng thời gian,

- Bên thuê trả tiền cho việc sử dụng tài sản đó trong thời hạn đã thoả thuận.

(căn cứ Điều 472 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Ví dụ: Hợp đồng thuê nhà là loại hợp đồng phổ biến nhất vì hiện nay, số lượng người sống tại nhà thuê là rất lớn. Theo đó, chủ nhà và người thuê nhà sẽ cùng làm hợp đồng thuê nhà với các thoả thuận xoay quanh việc: Giá thuê, quyền, nghĩa vụ của các bên, bồi thường thiệt hại…

Hợp đồng dịch vụ: Thường đây là loại hợp đồng mà các bên thoả thuận sẽ cung ứng dịch vụ nhằm thực hiện một công việc nào đó cho bên sử dụng dịch vụ. Song song với đó, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ (căn cứ quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Ví dụ: Hợp đồng dịch vụ pháp lý thì bên cung ứng dịch vụ thường là luật sư thuộc văn phòng luật sư hoặc công ty luật, bên sử dụng dịch vụ là khách hàng có những vấn đề về pháp lý cần giải quyết. Theo đó, khách hàng sẽ trả tiền để bên công ty/văn phòng luật tư vấn, giải quyết các vấn đề pháp lý cho khách hàng như: Giải quyết tranh chấp đất đai, ly hôn…

Hợp đồng uỷ quyền: Căn cứ ĐIều 562 Bộ luật Dân sự, hợp đồng uỷ quyền được hiểu là loại hợp đồng ghi lại thoả thuận của các bên. Trong đó: Bên uỷ quyền vì lý do nào đó mà không thể tự mình thực hiện công việc, giao dịch… đã uỷ quyền cho bên nhận uỷ quyền được nhân danh mình thực hiện công việc, giao dịch đó.

Các bên có thể thoả thuận về việc trả thù lao hoặc không. Công việc, giao dịch… sẽ được thực hiện thay trong một khoảng thời gian nhất định do các bên thoả thuận. Nếu không thoả thuận, pháp luật không có quy định khác thì thời hạn uỷ quyền được quy định là 01 năm kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền.

Ví dụ: Hợp đồng uỷ quyền nhận sổ đỏ, hợp đồng uỷ quyền mua bán đất đai…

3. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

3.1 Điều kiện hợp đồng có hiệu lực

Do hợp đồng là một dạng của giao dịch dân sự theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên điều kiện có hiệu lực của hợp đồng cũng chính là điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.

Theo đó, căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng là:

- Các bên tham gia hợp đồng: Có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự phù hợp với loại hợp đồng được xác lập và hoàn toàn tự nguyện. Ví dụ, hợp đồng liên quan đến bất động sản của người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý (theo khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự năm 2015).

- Mục đích, nội dung giao kết hợp đồng: Không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

- Hình thức của hợp đồng: Nếu pháp luật yêu cầu hình thức của hợp đồng là điều kiện để hợp đồng đó có hiệu lực thì các bên trong hợp đồng phải tuân theo quy định đó.

Ví dụ: Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư bắt buộc phải lập bằng văn bản có công chứng thì các bên phải công chứng hợp đồng này.

3.2 Trường hợp hợp đồng vô hiệu

Bên cạnh điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì có không ít thắc mắc điều kiện vô hiệu của hợp đồng là gì? Cụ thể, theo Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng vô hiệu trong các trường hợp sau đây:

- Hợp đồng có nội dung, mục đích vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

- Hợp đồng được xác lập do giả tạo, nhằm che giấu một hợp đồng khác. Ví dụ như các bên lập hợp đồng uỷ quyền có nội dung định đoạt (mua, bán, tặng cho…) quyền sử dụng đất nhằm che giấu giao dịch thật sự là mua bán, tặng cho… (chuyển quyền sở hữu) quyền sử dụng đất đó.

- Hợp đồng được lập bởi người chưa thành niên (dưới 18 tuổi), người mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi và đã được người có quyền, nghĩa vụ liên quan yêu cầu Toà án tuyên vô hiệu.

- Hợp đồng được lập do nhầm lẫn. Một bên trong hợp đồng vì nhầm lẫn mà mục đích giao kết hợp đồng không thực hiện được thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên vô hiệu.

- Hợp đồng được lập do bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

- Hợp đồng do người không nhận thức, làm chủ hành vi của mình thực hiện. Ví dụ như khi lập hợp đồng, người này đã say rượu, không nhận thức được gì.

- Hợp đồng được lập nhưng không tuân thủ quy định về hình thức có hiệu lực của pháp luật.

- Đối tượng của hợp đồng không thực hiện được. Trong đó, một bên biết/phải biết về việc này nhưng không thông báo cho bên kia khiến bên kia chấp nhận giao kết hợp đồng. Ngoài việc hợp đồng bị tuyên vô hiệu thì bên kia còn có thể phải bồi thường thiệt hại.

Khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu, theo Điều 131 Bộ luật Dân sự, các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu và trả lại cho nhau những gì đã nhận. Hợp đồng vô hiệu đó sẽ không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được giao kết.

Nếu không hoàn trả được đúng hiện vật đã nhận trước đó thì có thể quy ra tiền để trả lại cho nhau bằng tiền. Đồng thời, bên nào có lỗi trong việc hợp đồng vô hiệu thì sẽ phải bồi thường thiệt hại.

Hợp đồng là một trong những hình thức của giao dịch dân sự
Hợp đồng là một trong những hình thức của giao dịch dân sự (Ảnh minh hoạ)

4. Nội dung và hình thức của hợp đồng được quy định thế nào?

4.1 Quy định về nội dung của hợp đồng

Nội dung của hợp đồng được nêu tại khoản 2 Điều 398 Bộ luật Dân sự năm 2015 gồm:

2. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

a) Đối tượng của hợp đồng;

b) Số lượng, chất lượng;

c) Giá, phương thức thanh toán;

d) Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

e) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

g) Phương thức giải quyết tranh chấp.

Ngoài những nội dung nêu trên, các bên hoàn toàn có quyền thoả thuận thêm các nội dung khác. Tuỳ vào từng loại hợp đồng mà nội dung của từng mục nêu trên sẽ gồm các thoả thuận khác nhau.

4.2 Quy định về hình thức của hợp đồng

Căn cứ Điều 119 Bộ luật Dân sự, hợp đồng có thể được lập bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Riêng hợp đồng được ký online qua Email, qua website… thì vẫn được xem là hợp đồng bằng văn bản nếu được lập theo quy định về giao dịch điện tử.

Với một số loại hợp đồng bắt buộc phải lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực thì các bên giao kết phải thực hiện theo quy định này.

5. Mẫu hợp đồng thông dụng nhất hiện nay

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG ………….. (tên hợp đồng)

Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015;

‎ Căn cứ vào nhu cầu và năng lực của các bên.

Hôm nay, ngày…tháng…năm .., tại địa chỉ :………………… …

BÊN A:……………………………………………………………

BÊN B:…………………………………………………………..

(thông tin chi tiết của các bên. Trong đó:

- Nếu là cá nhân thì cần đầy đủ các thông tin: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, thông tin về số giấy tờ tuỳ thân (Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/hộ chiếu…)

- Nếu là pháp nhân thì cần có thông tin được nêu trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thông tin về người đại diện hợp pháp của pháp nhân đó)

Sau khi bàn bạc thỏa thuận, hai bên đi đến thống nhất và đồng ý ký kết Hợp đồng (tên hợp đồng) ………… với các điều khoản sau:

ĐIỀU 1: ĐỐI TƯỢNG HỢP ĐỒNG

……………………………………………………………………

ĐIỀU 2:

……………………………………………………………………

(Giá tiền, phương thức, thời hạn…) liên quan đến loại hợp đồng đang giao kết

ĐIỀU 3:

……………………………………………………………………

(các thoả thuận khác tuỳ thuộc vào từng loại hợp đồng đang giao kết)

ĐIỀU 4: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN A

……………………………………………………………………

ĐIỀU 5: QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN B

……………………………………………………………………

ĐIỀU 6: ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

……………………………………………………………………

(các thông tin khác về cam kết, phụ lục hợp đồng, giải quyết tranh chấp… (nếu có))

ĐIỀU 7: HIỆU LỰC CỦA HỢP ĐỒNG

Hợp đồng này sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký và được lập thành …. (….) bản và có giá trị pháp lý như nhau. Các bên đã đọc kỹ, hiểu rõ nội dung Hợp đồng và đồng ý ký tên.

BÊN A                                                                                                           BÊN B

6. Câu hỏi thường gặp về hợp đồng

Sau hàng loạt quy định liên quan đến hợp đồng là gì, dưới đây là giải đáp thắc mắc liên quan đến hợp đồng thường gặp:

6.1 Người dưới 18 tuổi có được ký hợp đồng không?

Người dưới 18 tuổi còn được gọi là người chưa thành niên. Theo Điều 21 Bộ luật Dân sự, người dưới 18 tuổi vẫn được phép ký hợp đồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Từ đủ 06 tuổi - chưa đủ 15 tuổi: Hợp đồng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp lứa tuổi, được người đai diện theo pháp luật đồng ý.

- Từ đủ 15 tuổi - chưa đủ 18 tuổi: Tự mình ký hợp đồng trừ những loại hợp đồng liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký thì phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Giải đáp các thắc mắc liên quan đến hợp đồng là gì?
Giải đáp các thắc mắc liên quan đến hợp đồng là gì? (Ảnh minh hoạ)

6.2 Khi nào phải bồi thường hợp đồng, phạt hợp đồng?

Trách nhiệm bồi thường hợp đồng, phạt hợp đồng là một trong những nội dung được quy định trong hợp đồng. Theo đó, các bên phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Theo đó, trường hợp được bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm gồm:

  • Bồi thường thiệt hại: Khi các bên trong hợp đồng vi phạm dẫn đến có thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường thiệt hại theo thoả thuận của các bên hoặc do vi phạm nghĩa vụ nêu trong hợp đồng mà có thiệt hại xảy ra thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại.
  • Phạt vi phạm: Ngoài bồi thường thiệt hại, nếu do lỗi của các bên trong hợp đồng và các bên có thoả thuận về việc phạt vi phạm thì phải thực hiện theo điều khoản thoả thuận này trong hợp đồng.

Khi đó, lợi ích mà lẽ ra người này được hưởng theo hợp lại do hành vi vi phạm của người khác mà không được hưởng thì người có vi phạm phải chịu phạt vi phạm theo thoả thuận.

6.3 Có bắt buộc thanh lý hợp đồng không?

Hiện trong Bộ luật Dân sự không quy định về thanh lý hợp đồng. Trên thực tế, các trường hợp thường các bên phải thanh lý hợp đồng gồm:

- Hoàn thành công việc.

- Hết hạn thực hiện hợp đồng và các bên không có điều khoản thoả thuận về việc kéo dài hợp đồng…

Do đó, có thể thấy, không bắt buộc các bên phải thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, để có thể chắc chắn về việc hoàn tất công việc được thoả thuận trong hợp đồng, các bên nên thực hiện thanh lý hợp đồng.

Xem chi tiết: Thanh lý hợp đồng: Điều kiện, thủ tục thế nào?

6.4 Hợp đồng nào bắt buộc phải công chứng, chứng thực?

Để xác định hợp đồng nào bắt buộc phải công chứng, chứng thực, cần căn cứ vào pháp luật chuyên ngành. Dưới đây là một số loại hợp đồng bắt buộc phải công chứng, chứng thực:

STT

Loại hợp đồng/văn bản

Căn cứ pháp lý

Hợp đồng về nhà ở

1

Hợp đồng mua bán nhà ở

Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở

2

Hợp đồng tặng cho nhà ở

3

Hợp đồng đổi nhà ở

4

Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở

5

Hợp đồng thế chấp nhà ở

Hợp đồng về quyền sử dụng đất

6

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất



Điểm a, điểm b khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai

7

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất

8

Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất

9

Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất

10

Hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất

11

Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất

6.5 Một hợp đồng được phép có bao nhiêu phụ lục?

Quy định về phụ lục hợp đồng đang được nêu tại Điều 403 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, điều khoản này không giới hạn số phụ lục kèm theo một hợp đồng. Do đó, một hợp đồng có thể có nhiều phụ lục.

Phụ lục là văn bản quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng và có hiệu lực như hợp đồng. Đặc biệt, nội dung của phụ lục không được trái với nội dung của hợp đồng. Nếu trái thì sẽ không có hiệu lực trừ trường hợp có quy định khác.

Trên đây là giải đáp chi tiết về: Hợp đồng là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục