Hợp đồng hôn nhân là gì? Có hợp pháp không?

Chắc hẳn mọi người không hề xa lạ khi nghe đến cụm từ “hợp đồng hôn nhân” trong phim ảnh, truyện… Tuy nhiên, tại Việt Nam, liệu loại hợp đồng này có hợp pháp không?

1. Hợp đồng hôn nhân là gì?

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn theo Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Tuy nhiên, trong quan hệ hôn nhân, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về hợp đồng hôn nhân là gì nhưng Luật Hôn nhân và Gia đình đã đề cập đến Thỏa thuận về tài sản của vợ, chồng trước khi kết hôn. Đây có thể coi là một trong các hình thức của hợp đồng hôn nhân hiện nay.

Trong khi đó, hiện nay, khái niệm hợp đồng hôn nhân được nhiều người sử dụng để thỏa thuận về quan hệ hôn nhân bao gồm cả kết hôn, ly hôn, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con cái, cấp dưỡng...


2. Hợp đồng hôn nhân là hợp đồng trái pháp luật?

Việc xác lập quan hệ hôn nhân được pháp luật đặt ra nhằm mục đích xây dựng gia đình giữa 01 nam và 01 nữ, dựa trên tinh thần tự nguyện, do hai người có đủ điều kiện để kết hôn và được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì sẽ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

Theo đó, bất cứ việc kết hôn nào không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà chỉ lợi dụng việc kết hôn để thực hiện mục đích khác như xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, nước ngoại… là trái pháp luật và sẽ bị pháp luật xử lý nghiêm khắc.

Ngoài ra, hiện nay, theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, giữa vợ chồng chỉ có thỏa thuận về chế độ tài sản là dạng thỏa thuận có thể lập thành hợp đồng. Thỏa thuận này phải lập trước khi kết hôn dưới hình thức là văn bản có công chứng hoặc chứng thực và được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.

Trong đó, nội dung của văn bản này là thỏa thuận về tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng; quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với các khối tài sản này; điều kiện, thủ tục phân chia tài sản khi ly hôn.

Như vậy, ngoài hợp đồng hay còn gọi là văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì những thỏa thuận khác đều không được pháp luật quy định.

Đặc biệt những hợp đồng hôn nhân vì mục đích trục lợi, hợp đồng lập ra để kết hôn giả là những hợp đồng vi phạm pháp luật.


3. Hợp đồng hôn nhân có thể bị coi là kết hôn giả tạo?

Nếu hai bên nam, nữ kết hôn không nhằm mục đích kết hôn mà kết hôn hoặc lập hợp đồng hôn nhân vì mục đích khác thì sẽ bị coi là kết hôn giả tạo. Bởi vậy, Việc xử lý kết hôn giả tạo được quy định tại Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

Theo đó, để hủy kết hôn trái pháp luật thì Tòa án căn cứ vào yêu cầu của vợ, chồng, điều kiện kết hôn, điều kiện công nhận quan hệ hôn nhân hợp pháp… để quyết định. Lúc này, nếu hai bên vợ chồng đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định thì:

- Nếu cả hai cùng yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định công nhận kể từ khi hai bên đủ điều kiện kết hôn;

- Nếu chỉ có một trong hai bên yêu cầu hủy việc kết hôn trái phép hoặc công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật;

- Nếu một bên yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Đáng lưu ý là nếu tại thời điểm Tòa giải quyết việc kết hôn trái pháp luật nhưng hai bên vẫn không đủ điều kiện kết hôn thì Tòa án quyết định hủy việc kết hôn này dù một trong hai hoặc cả hai bên có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân.

Lúc này, nếu việc kết hôn giả tạo bị Tòa án tuyên hủy thì quan hệ vợ chồng giữa hai người sẽ chấm dứt. Kèm theo đó quan hệ giữa cha mẹ con cái, chế độ tài sản chung sẽ được giải quyết như khi vợ chồng ly hôn.

Như vậy, có thể thấy chỉ có thỏa thuận về tài sản của vợ chồng là được pháp luật công nhận còn các trường hợp lập hợp đồng hôn nhân khác đều chưa được pháp luật quy định và có thể bị coi là kết hôn giả tạo. Khi đó, quan hệ hôn nhân sẽ không được Tòa án công nhận.

4. Có nên lập hợp đồng hôn nhân không?

Từ những phân tích ở trên, chỉ khi nam, nữ kết hôn vì mục đích hôn nhân thì có thể lập hợp đồng hôn nhân để phân định tài sản sau này trong quá trình chung sống. Bởi trong quá trình chung sống, ngoài tài sản chung hai vợ chồng cùng tạo lập thì còn có tài sản riêng của mỗi người có trước khi kết hôn, có sau khi kết hôn do được tặng cho riêng, thừa kế riêng...

Trong nhiều trường hợp, vợ chồng vẫn xảy ra mâu thuẫn, xung đột xung quanh vấn đề tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng. Do đó, lập hợp đồng hôn nhân (còn gọi là thỏa thuận tài sản chung vợ chồng trước khi cưới) có vai trò vô cùng quan trọng để:

- Phân chia rõ ràng tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng.

- Trong quá trình chung sống sẽ hạn chế xung đột, mâu thuẫn vợ chồng liên quan đến tài sản chung, tài sản riêng.

- Khi hai vợ chồng ly hôn, nếu có hợp đồng hôn nhân thì sẽ dễ dàng trong việc phân chia tài sản chung vợ, chồng, giảm bớt thời gian, thủ tục khi thực hiện ly hôn...

Như vậy, có thể thấy, việc lập hợp đồng hôn nhân trước khi cưới mang đến khá nhiều lợi ích trong việc giải quyết, xử lý xung đột trong quá trình chung sống giữa vợ, chồng. Và hiện tại, đây là biện pháp được khá nhiều bạn trẻ sử dụng.

Tuy nhiên, cần lưu ý, chỉ lập hợp đồng hôn nhân để thỏa thuận về vấn đề tài sản của vợ, chồng mà không đề cập đến các vấn đề khác.

Kết hôn giả có thể bị phạt rất nặng (Ảnh minh họa)

5. Kết hôn giả có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

Việc kết hôn giả tạo không chỉ không được pháp luật công nhận mà thậm chí nếu mục đích của việc kết hôn này không nhằm để xây dựng gia đình, vì mục đích trục lợi thì có thể bị phạt hành chính.

Theo đó, nếu người nào lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc thực hiện các mục đích trục lợi khác thì có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.

Như vậy, hợp đồng hôn nhân thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì hoàn toàn được pháp luật Việt Nam công nhận khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Nhưng nếu không vì mục đích xây dựng gia đình mà chỉ nhằm kết hôn giả tạo thì sẽ không được pháp luật công nhận và có thể bị xử lý.

Nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan đến kết hôn, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Thủ tục đăng ký kết hôn: Những điều cần biết

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.