Hợp đồng giả cách là gì? Dấu hiệu nhận biết

Hiện nay, tình trạng vay tiền và mua bán tài sản bị lừa ký hợp đồng giả cách xuất hiện ngày một nhiều hơn, gây rủi ro, thiệt hại không nhỏ cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào giao dịch. Vậy hợp đồng giả cách là gì? Dấu hiệu nhận biết như thế nào?

1. Hợp đồng giả cách là gì? Hậu quả pháp lý

Hợp đồng giả cách là gì? Hậu quả pháp lý
Hợp đồng giả cách là gì? Hậu quả pháp lý (Ảnh minh hoạ)

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng giả cách. Tuy nhiên, có thể căn cứ theo khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo quy định tại Điều 124 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 để xác định hợp đồng giả cách.

Cụ thể, khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu cho một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu do giả tạo.

Như vậy, theo quy định nêu trên và thực tế thì có thể hiểu hợp đồng giả cách là loại hợp đồng được các bên xác lập một cách giả tạo để che giấu cho một giao dịch dân sự khác. Hợp đồng giả cách không có giá trị pháp lý và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng cho các bên.

Trong trường hợp này, hậu quả pháp lý của hợp đồng giả cách sẽ được áp dụng theo Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

- Hợp đồng giả cách không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng kể từ thời điểm hợp đồng được xác lập.

- Các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu và hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận từ bên kia, trường hợp không thể hoàn trả bằng hiện vật thì hoàn trả bằng tiền với giá trị tương ứng.

- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi và lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi và lợi tức, bên có lỗi gây ra thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại xảy ra.

2. Thời hiệu để yêu cầu tuyên bố vô hiệu hợp đồng giả cách

Căn cứ Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 về thời hiệu yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, theo đó:

“Điều 132. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.”

Tại khoản 3 Điều 132 Bộ luật Dân sự 2015 quy định các giao dịch dân sự quy định tại Điều 124 Bộ luật này (Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo) thì thời hiệu để cá nhân, tổ chức yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là không bị hạn chế.

Như vậy, thời hiệu để yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng giả cách là không bị hạn chế. Bạn có thể gửi yêu cầu đến Toà án bất kỳ lúc nào khi phát hiện ra có các dấu hiệu của hợp đồng giả cách.

Thời hiệu để yêu cầu tuyên bố vô hiệu hợp đồng giả cách
Thời hiệu để yêu cầu tuyên bố vô hiệu hợp đồng giả cách (Ảnh minh hoạ)

3. 4 dấu hiệu nhận biết hợp đồng giả cách

Hiện nay, hợp đồng giả cách xuất hiện rất phổ biến trong hoạt động vay vốn hay mua bán tài sản. Nếu không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng thì bạn hoàn toàn có thể bị mắc bẫy, gây thiệt hại về tài sản cho bản thân.

Dưới đây chúng tôi sẽ chỉ ra cho bạn đọc một số dấu hiệu cơ bản để nhận biết hợp đồng giả cách, cụ thể như sau:

3.1. Người vay tiền phải ký hợp đồng mua bán tài sản

Đây là loại hình hợp đồng giả cách khá phổ biến hiện nay, hợp đồng cho vay với lãi suất rất cao, kèm theo đó là các điều khoản về việc mua bán tài sản theo hình thức chuyển nhượng, do đó rủi ro cho người vay khi ký vào hợp đồng là rất lớn. Để nhận diện hợp đồng giả cách theo hình thức này, cần dựa theo các dấu hiệu sau đây:

- Hợp đồng thường có điều khoản về việc người vay khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán sẽ phải chuyển nhượng tài sản cho bên vay, nhưng điều khoản về lãi suất vay và thời hạn chi trả lại không rõ ràng.

- Có nhiều điều khoản gây bất lợi cho bên vay như, điển hình là giá trị của tài sản mang thế chấp lớn hơn rất nhiều so với giá trị của khoản vay.

3.2. Giá trị của tài sản ghi trong hợp đồng thấp hơn so với thực tế

Trong khi thực hiện các giao dịch về tài sản, rất nhiều người gặp phải tình trạng giá trị của tài sản trên hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Mục đích tạo ra hợp đồng này là để trốn nộp thuế theo quy định pháp luật.

3.3. Cầm cố tài sản vay lách luật

Khi các bên ký hợp đồng về đầu tư, cần phải lưu ý đến điều khoản về việc cầm cố tài sản. Bởi vì hiện nay có rất nhiều đối tượng lôi kéo tham gia vào giao dịch bằng cách đưa ra dự án siêu lợi nhuận, nhưng lại yêu cầu các nhà đầu tư phải ký kết hợp đồng cầm cố tài sản theo cách thức mua bán/chuyển nhượng tài sản.

Khi xác lập giao dịch này, được xem như bạn đã chuyển nhượng lại tài sản cho người khác, đến khi phát hiện thì rất khó để chứng minh và đòi lại tài sản.

3.4. Hợp đồng không ghi lãi suất cụ thể

Theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người vay tiền của các tổ chức, cá nhân không ghi rõ ràng về lãi suất dẫn đến nhiều hiểu lầm, thậm chí tính sai, tính lãi suất quá cao…

Do đó, có thể thấy, đây cũng là một trong những loại dấu hiệu cho thấy hợp đồng bên vay ký kết là hợp đồng giả tạo.

Trên đây là những thông tin về Hợp đồng giả cách là gì? Dấu hiệu nhận biết.
Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục