Hoa lợi lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân gồm những gì?

Hoa lợi lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân và hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản riêng thuộc sở hữu của ai? Là tài sản chung hay tài sản riêng? Cùng theo dõi chi tiết tại bài viết dưới đây.

Hoa lợi, lợi tức là gì?

Để xem xét hoa lợi lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân thuộc sở hữu của ai, ai có quyền định đoạt, trước hết cần nắm rõ, hoa lợi là gì? Lợi tức là gì?

Theo đó, căn cứ Điều 109 Bộ luật Dân sự năm 2015, có thể hiểu hai khái niệm này như sau:

- Hoa lợi là: Loại sản vật tự nhiên được hình thành từ tài sản của cá nhân, tổ chức. Ví dụ như: Hoa lợi của cây cối là hoa, quả được sinh ra một cách tự nhiên trên cây cối đó; hoa lợi của con gà là trứng gà…

- Lợi tức là: Loại tài sản hay chính là khoản lợi mà thu được từ việc khai thác tài sản gốc của cá nhân, tổ chức. Để dễ hiểu, độc giả có thể tham khảo ví dụ dưới đây:

  • Tiền thuê nhà được coi là lợi tức của căn nhà khi chủ sở hữu căn nhà đem tài sản là căn nhà đi cho thuê.
  • Tiền lãi là lợi tức của một số tiền nhất định khi cá nhân sử dụng tài sản của mình là một số tiền để đi gửi ngân hàng…

Như vậy, có thể thấy, hai khái niệm này chỉ những loại tài sản không phải tài sản ban đầu của cá nhân mà là khoản lợi hoặc sản phẩm được hình thành từ tài sản ban đầu.

Để biết hai khái niệm này khác nhau thế nào, độc giả có thể tham khảo chi tiết tại bài viết: Hoa lợi lợi tức là gì? Khác nhau thế nào?

Hoa lợi, lợi tức trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hay riêng vợ chồng?
Hoa lợi, lợi tức trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hay riêng vợ chồng? (Ảnh minh họa)

Hoa lợi lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân gồm những gì?

Theo khoản 1 Điều 33 và Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, hoa lợi lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân gồm 02 loại sau đây:

  • Loại một: Hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng.
  • Loại hai: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi đã được chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Trong đó:

- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng (loại thứ nhất) được coi là tài sản chung vợ chồng.

Khi đó, căn cứ khoản 2 Điều 33 Luật này, khi hoa lợi lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân từ tài sản riêng vợ chồng được coi là tài sản chung thì quyền sở hữu, định đoạt sẽ thuộc về cả hai vợ chồng.

Đây là loại tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất, dùng để đảm bảo nhu cầu của gia đình cũng như thực hiện các nghĩa vụ khác chung của cả vợ và chồng.

Khi đó, muốn sử dụng, định đoạt, chiếm hữu hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng của vợ chồng thì đều phải do cả hai người cùng thỏa thuận và quyết định. Riêng ba trường hợp dưới đây, việc thỏa thuận của vợ chồng phải lập thành văn bản:

  • Bất động sản.
  • Động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định như xe ô tô, xe máy…
  • Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.

Ví dụ cụ thể: Trong thời kỳ hôn nhân của bà A và ông B, bà A được bố mẹ đẻ tặng cho riêng một căn nhà. Bà A dùng căn nhà này để cho thuê và thu tiền thuê nhà hàng tháng thì theo quy định trên, tiền thuê nhà được coi là lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của bà A và là tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân (trong khi đó, bà A và ông B không có thỏa thuận riêng về việc coi số tiền thuê nhà này là tài sản riêng của bà A trong thời kỳ hôn nhân)

- Loại thứ hai theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và Gia đình được xem là tài sản riêng của vợ chồng trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Khi đó, tài sản được coi là tài sản riêng vợ chồng sẽ thuộc sở hữu riêng của từng người, việc sử dụng, chiếm hữu, định đoạt tài sản riêng sẽ do từng người quyết định.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nếu được coi là tài sản riêng nhưng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng này là nguồn sống duy nhất của gia đình thì khi mua bán, tặng cho… (định đoạt) tài sản đó phải có sự đồng ý của cả vợ và chồng.

Ví dụ: Ông A và bà B có chung quyền sở hữu với căn nhà tại tỉnh C. Tuy nhiên, trong thời kỳ hôn nhân, ông bà đã thực hiện việc phân chia tài sản chung và trong văn bản đó, hai ông bà đã thống nhất căn nhà tại tỉnh C này sẽ thuộc quyền sở hữu riêng của bà B. Do đó, đây được coi là tài sản riêng của bà B. Bà B đem căn nhà này cho thuê thì lợi tức thu được từ việc cho thuê căn nhà tại tỉnh C này là tài sản riêng của của bà B (hai ông bà không thỏa thuận khác và tiền thuê nhà này không phải là nguồn tiền duy trì sự sống duy nhất của hai ông bà).

Trên đây là giải đáp chi tiết về vấn đề: Hoa lợi lợi tức phát sinh trong thời kỳ hôn nhân và hoa lợi lợi tức phát sinh từ tài sản riêng vợ chồng thuộc sở hữu của ai? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục