Hộ gia đình là gì? 2 vấn đề liên quan đến thành viên hộ gia đình

Hộ gia đình là gì là thắc mắc mà rất nhiều độc giả của LuatVietnam quan tâm và yêu cầu được giải đáp thông qua tổng đài 19006192. Dưới đây là chi tiết liên quan đến vấn đề này.

1. Hộ gia đình là gì?

Hộ gia đình là gì hiện không có định nghĩa cụ thể. Tuy nhiên, có thể hiểu khái niệm này như sau: Hộ gia đình là tập hợp những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng, đang sống chung và cùng đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp.

Khái niệm này được hiểu thông qua định nghĩa hộ gia đình sử dụng đất và hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế. Cụ thể:

Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất

(căn cứ tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013)

Đồng thời, khoản 2 Điều 37 Luật Cư trú năm 2020, hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế được định nghĩa như sau:

7. Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (sau đây gọi chung là hộ gia đình) là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú.

Khái niệm hộ gia đình là gì này tương tự như khái niệm gia đình được nêu tại khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình. Trong đó, gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa họ.

Vì vậy, các thành viên trong hộ gia đình sẽ có quyền, nghĩa vụ liên quan đến nhau về tài sản, về quyền nhân thân, về nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Khái niệm hộ gia đình được định nghĩa như thế nào? (Ảnh minh hoạ)

2. Các vấn đề liên quan đến hộ gia đình

Sau khi tìm hiểu cụ thể khái niệm hộ gia đình là gì, dưới đây bài viết sẽ giải đáp một số vấn đề liên quan đến hộ gia đình gồm tài sản chung hay trách nhiệm dân sự của các thành viên trong hộ gia đình cùng với hậu quả pháp lýkhi thành viên không phải đại diện hộ gia đình tham gia giao dịch. Cụ thể dưới đây:

2.1 Tài sản chung của các thành viên trong hộ gia đình

Căn cứ Điều 212 Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản chung của các thành viên trong gia đình gồm các loại tài sản sau đây: Tài sản do thành viên hộ gia đình đóng góp, tài sản do tất cả thành viên hộ gia đình tạo lập nên và các loại tài sản được xác lập quyền sở hữu khác.

Do đây là tài sản chung của thành viên trong hộ gia đình nên việc định đoạt, chiếm hữu, sử dụng nó sẽ do các thành viên trong gia đình thoả thuận. Nếu không có thoả thuận thì có thể chia tài sản chung cho từng thành viên.

Và mỗi thành viên trong hộ gia đình có quyền định đoạt với phần quyền sở hữu tài sản của mình trong khối tài sản chung của tất cả các thành viên của hộ gia đình trừ trường hợp tài sản chung là tài sản của vợ chồng.

Nếu tài sản chung của hộ gia đình là tài sản chung vợ chồng thì khi ly hôn, tài sản này sẽ được chia đôi theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình có tính đến các yếu tố như lỗi của mỗi bên, sự đóng góp của mỗi bên (nếu có)…

Riêng trường hợp định đoạt tài sản chung của hộ gia đình là bất động sản hoặc động sản có đăng ký hoặc tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình thì phải có sự thoả thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp có quy định khác.

Ví dụ: Đất của hộ gia đình, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, đất của hộ gia đình thì Sổ đỏ sẽ ghi “Hộ gia đình, gồm ông/bà..." Đồng thời, khi muốn đăng ký biến động đất đai thì phải được các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đồng ý bằng văn bản phải được công chứng hoặc chứng thực (căn cứ khoản 5 Điều 14 Thông tư 022015/TT-BTNMT).

Tài sản của thành viên hộ gia đình được quy định thế nào? (Ảnh minh hoạ)

2.2 Trách nhiệm dân sự của thành viên hộ gia đình

Song song với quyền lợi của hộ gia đình thì các thành viên trong hộ cũng phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phát sinh từ việc tham gia hợp đồng, thoả thuận của hộ gia đình được đảm bảo thực hiện bằng tài sản chung của các thành viên.

Nếu các thành viên không có hoặc đủ tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ thì phải có nghĩa vụ liên đới trong việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Cụ thể, Điều 288 Bộ luật Dân sự quy định về nghĩa vụ liên đới như sau:

- Đây là nghĩa vụ do nhiều người cùng thực hiện và bất cứ thành viên trong hộ gia đình nào cũng có thể bị yêu cầu thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

- Một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu các thành viên khác trong hộ gia đình thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ với mình…

Trên đây là giải đáp chi tiết về hộ gia đình là gì. Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ, giải đáp chi tiết.

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(2 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Danh sách án lệ căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015

Tính đến 20/9/2024, Việt Nam có 72 án lệ - đây được coi là khuôn mẫu và cơ sở để đưa ra phán quyết cho những vụ việc tương tự. Bài viết dưới đây sẽ tổng hợp các án lệ được căn cứ vào Bộ luật Dân sự 2015.